Nguy cơ ngân sách liên bang Mỹ tài khóa 2013 bắt đầu tự động bị cắt giảm 85 tỉ USD từ nửa đêm ngày 1-3 (giờ địa phương) ngày càng hiện rõ. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28-2 đã chỉ trích phe Cộng hòa vì đã không thông qua kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông trước khi việc cắt giảm chi tiêu xảy ra, khiến đà phục hồi kinh tế nước này càng bị đe dọa hơn nữa.
Tổng thống Barack Obama (giữa) và các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ
tại một cuộc họp ở Nhà Trắng về cắt giảm ngân sách. Ảnh: REUTERS
Sáng 1-3 (giờ Washington), Tổng thống Obama có cuộc gặp tại Nhà Trắng với 4 nhà lãnh đạo quốc hội, bàn về các phương hướng để tránh tình trạng cắt giảm ngân sách trên. Các quan chức này bao gồm Chủ tịch hạ viện John Boehner, lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Harry Reid và lãnh đạo phe thiểu số tại hạ viện Nancy Pelosi. Theo báo The Washington Times, đây là cuộc họp trực diện đầu tiên của họ về vấn đề này mặc dù suốt 2 tháng qua họ đã biết rằng thời hạn chót đang đến gần.
Giới chuyên gia Mỹ nhận định việc ngân sách tự động bị cắt giảm số tiền khổng lồ như nêu trên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo họ, kể cả khi các quan chức Lầu Năm Góc có kế hoạch giảm quy mô quân sự tại chiến trường Afghanistan, các hoạt động huấn luyện của hải quân và không quân Mỹ tại châu Á vẫn sẽ bị cắt giảm mạnh.
Liên quan đến chương trình cắt giảm ngân sách tự động, ngày 28-2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với khách du lịch nước ngoài có thể sẽ lâu hơn trước đó, do nhiều đại sứ quán Mỹ trên thế giới sẽ buộc phải cắt giảm một số bộ phận. Ngoài ra, các lãnh sự quán Mỹ tại một số nước được coi là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch Mỹ như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil cũng sẽ bị ảnh hưởng trong đợt cắt giảm nhân sự này.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, các thị trưởng khắp nước Mỹ cho biết khoản cắt giảm chi tiêu toàn diện trị giá 85 tỉ USD cho tài khóa kết thúc ngày 30-9 sẽ đe dọa đến nhiều hoạt động hằng ngày của địa phương. Các thị trưởng hiểu rằng họ sẽ nhận được ít trợ cấp hơn trong khi tiền tài trợ cho các chương trình chung phối hợp cùng với chính phủ cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, họ không biết chi tiết về tất cả mọi khoản cắt giảm.
Chính quyền địa phương nhiều khả năng sẽ nhận được trợ cấp 28,3 tỉ USD từ chính phủ liên bang trong tài khóa này, so với 29,8 tỉ USD trong tài khóa trước. Bà Stephanie Rawlings-Blake, thị trưởng Baltimore, bang Maryland, thừa nhận rằng ảnh hưởng đầu tiên của việc cắt giảm ngân sách là tình trạng tội phạm sẽ tăng lên. Bà nhấn mạnh: “Ảnh hưởng trước hết là tình trạng an ninh của công chúng”. Bà cho biết tội ác bạo lực ở Baltimore đã giảm xuống từ năm 2000 nhờ vào các khoản tài trợ của liên bang. Thế nhưng, từ nay, khoản tiền này chắc chắn sẽ bị cắt giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng an ninh trong
thành phố.
Các thị trưởng và giới chức dân sự nhận định siệc cắt giảm ngân sách sẽ không buộc các thành phố đóng cửa ngay lập tức trong tuần tới. Tuy nhiên, theo Thị trưởng Michael Coleman của thành phố Columbus, bang Ohio, khó khăn sẽ tăng lên theo thời gian giống như nước tăng độ dần lên đến điểm sôi. Trong khi đó, một số thị trưởng không đặt nặng vấn đề này. Thị trưởng Oklahoma Mick Cornett cho biết có thể thành phố của ông sẽ ít chi tiêu hơn nhờ giảm khoản trợ cấp phát triển cộng đồng, đồng thời sẽ cắt giảm một số việc làm ở khu vực tư nhân. Dù đối mặt với khó khăn nhưng ông quả quyết: “Chúng tôi sẽ tồn tại”.
Bình luận (0)