Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên minh (UEC) do quân đội Myanmar chỉ định, ông Thein Soe, thông báo kế hoạch giải thể NLD với cáo buộc gian lận bầu cử.
Cùng ngày, nhà lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi trực tiếp ra tòa lần đầu tiên kể từ khi chính phủ của bà bị quân đội lật đổ. Xuyên suốt cuộc trò chuyện 30 phút với đội ngũ pháp lý trước phiên tòa, bà Suu Kyi trông khỏe mạnh và tuyên bố NLD sẽ "tồn tại miễn là người dân còn tồn tại" - luật sư Khin Maung Zaw chia sẻ với Reuters.
Người dân chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh ở thị trấn Mindat, bang Chin - Myanmar hôm 17-5 Ảnh: REUTERS
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, là một trong hơn 4.000 người bị quân đội Myanmar bắt giam kể từ cuộc đảo chính ngày 1-2. Bà đối mặt với nhiều cáo buộc, từ sở hữu trái phép thiết bị liên lạc đến vi phạm luật bảo vệ bí mật quốc gia, với hình phạt có thể lên đến 14 năm tù giam.
Kể từ sau cuộc đảo chính trên, Myanmar chìm trong bất ổn khi các cuộc biểu tình, diễu hành và đình công diễn ra mỗi ngày để yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi. Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), hơn 800 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh.
Không chỉ vậy, giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang phản đối chế độ quân sự ngày một ác liệt. Trong cuộc đụng độ hôm 23-5, Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) tuyên bố sát hại ít nhất 20 cảnh sát ở bang Shan.
Cùng ngày, một tay súng cho biết ít nhất 13 binh sĩ Myanmar đã bị giết trong cuộc giao tranh ở bang Kayah. "Chúng tôi muốn chiếm đồn cảnh sát. Tuy nhiên, đối phương sử dụng chiến đấu cơ và chúng tôi không thể ngăn xe tiếp viện của họ vào khu vực nên buộc phải rút quân" - người này nói.
Bình luận (0)