Đây được xem là động thái cải cách mới nhất của Myanmar, được thông báo trên trang web của văn phòng tổng thống. Theo BBC, 2.082 người tương đương 1/3 danh sách đen trên.
Những nhân vật này từng bị xem là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia nên bị cấm xuất nhập cảnh ra vào Myanmar. Với tín hiệu “bật đèn xanh” này, những công dân Myanmar ở nước ngoài có thể trở về nhà.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright ra khỏi danh sách đen của Myanmar. Ảnh: Reuters
Trong danh sách được "xóa tên" có cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, cố Tổng thống Philippines Corazon Aquino, giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền Brad Adams…
Ca sĩ đã qua đời người Mỹ kiêm chính trị gia Sonny Bono, hai con trai của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi - Kim và Alexander Aris - cùng bác sĩ của bà cũng “thoát”.
Một cái tên đáng chú ý là cựu chiến binh John Yettaw, người đã bơi băng qua hồ Inya ở Yangon để cảnh báo bà Suu Kyi đang bị âm mưu ám sát và bị bắt giam năm 2009.
Ngoài ra còn có nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã nghỉ hưu – những người bị đánh giá là quá thù địch khi đến Myanmar làm việc, các nhân viên cứu trợ và một danh sách dài nhà báo từng viết bài đả kích chính quyền quân sự kéo dài gần 50 năm ở Myanmar như nhà làm phim tài liệu John Pilger, Dan Rivers của CNN, Sue Lloyd-Roberts của BBC và Adrees Latif của Reuters... Phóng viên ảnh Latif là người đã giành giải Pulitzer với tấm hình chụp một phóng viên ảnh người Nhật bị bắn chết tại Yangon năm 2007.
Khoảng 4.000 người còn lại trong danh sách đen không được đề cập, thậm chí không rõ danh tính của họ cũng như nguyên nhân họ bị cấm ra vào Myanmar.
Bình luận (0)