"Tôi quyết định sẽ chiến đấu đến cùng" – ông Moe Tun khẳng định với Reuters hôm 27-2.
Trước đó cùng ngày, truyền hình nhà nước Myanmar cho biết đại sứ Moe Tun đã bị sa thải vì "phản bội đất nước".
Tuy nhiên, một quan chức LHQ khẳng định cơ quan này vẫn coi ông Moe Tun là đại sứ của Myanmar tại LHQ, bởi họ không công nhận chính quyền quân sự nước này.
"Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến việc thay đổi đại sứ Myanmar tại LHQ ở New York" – người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết.
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun. Ảnh: UNTV
Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bà Christine Schraner Burgener, hôm 26-2 kêu gọi các nước không công nhận sự hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar, do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing lãnh đạo.
Cũng trong ngày 26-2, ông Moe Tun khẳng định với LHQ rằng ông đã liên hệ với các quan chức trong chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và đã kêu gọi giúp đỡ để lật đổ "cuộc đảo chính quân sự phạm pháp và vi hiến".
Tổng thư ký Guterres cam kết huy động sức ép quốc tế để "đảm bảo cuộc đảo chính này thất bại". Hội đồng Bảo an đã thể hiện sự quan ngại đối với tình hình khẩn cấp ở Myanmar nhưng vẫn chưa lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính vì sự phản đối từ Nga và Trung Quốc.
Tại Myanmar, đám đông phản đối chính quyền quân sự tiếp tục tập trung tại TP Yangon vào ngày 28-2, một ngày sau khi lực lượng an ninh nước này triển khai đợt trấn áp lớn nhất, bắt giữ hơn 470 người biểu tình.
Cảnh sát tiếp tục xuất hiện trên các tuyến đường ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, vào rạng sáng 28-2 khi hàng trăm người biểu tình bắt đầu tập trung, trong đó có nhiều người mang thiết bị bảo hộ, một nhân chứng tiết lộ với Reuters.
Bình luận (0)