Đài BBC đưa tin thảm họa xảy ra tại thị trấn Hpakant, bang Kachin phía bắc Myanmar tối hôm 23-5. Trước đó, vào tháng 11 và 12 năm 2015, hàng trăm người cũng thiệt mạng với lý do tương tự tại khu mỏ này.
Phóng viên Jonah Fisher của đài BBC ở Myanmar cho biết nguyên nhân vụ sạt lở đất mới nhất vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy độ nguy hiểm của công việc này tại Myanmar.
Cảnh sát địa phương thông báo nỗ lực cứu hộ đang tiếp tục nhưng bị cản trở do mưa lớn, giao thông và đường dây liên lạc với khu vực bị nạn khá kém.
Các khu mỏ khai thác ngọc bích đang dần trở nên cằn cỗi do môi trường bị phá hủy. Ảnh: REUTERS
Dân địa phương và các công nhân tại đây nói có khoảng 200 người đang sục sạo các hố sâu bị các công ty khai thác khoáng sản bỏ lại trong mùa mưa ở Myanmar khi tai nạn xảy ra. Con số thương vong có thể lớn hơn.
Mỗi năm, khu mỏ ở Hpakant cho ra đời rất nhiều đá ngọc bích trị giá hàng tỉ USD. Phần lớn chúng được chuyển sang thị trường Trung Quốc.
Myanmar là quốc gia cho ra đời những viên đá ngọc bích đẹp nhất thế giới. Người Trung Quốc rất yêu thích loại đá này, gọi nó là “đá của thiên đường”. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này không được kiểm soát tại Myanmar và các vụ sạt lở đất xảy ra khá phổ biến.
Trong một báo cáo công bố tháng 10-2015, tổ chức Global Witness cho biết giá trị ngành công nghiệp sản xuất ngọc bích năm 2014 đạt 31 tỉ USD, gần bằng một nửa GDP của Myanmar. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này không tới tay người dân lẫn kho bạc nhà nước.
Bình luận (0)