Chưa có báo cáo về thương vong (nếu có) trong vụ nổ súng vào đám tang ở thị trấn Bago, gần thủ đô thương mại Yangon.
Một phụ nữ tên Aye nói với Reuters: "Khi chúng tôi đang tham dự đám tang thì lực lượng an ninh đến và bắn vào chúng tôi. Mọi người sau đó bỏ chạy".
Trang Myanmar Now cho biết trong số những người thiệt mạng hôm 27-3 có 40 người ở TP Mandalay và ít nhất 27 người ở TP Yangon. Ít nhất 6 trẻ em từ 10-16 tuổi nằm trong số các nạn nhân. Tổng số dân thường được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính hôm 1-2 đã lên hơn 440 người, theo số liệu của Reuters.
Mọi người tham dự đám tang của anh Kyaw Win Maung - bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở TP Mandalay. Ảnh: Reuters
Hôm 28-3, 2 người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình riêng biệt ở những nơi khác. Một người thiệt mạng sau khi quân đội nổ súng vào một nhóm người biểu tình gần thủ đô Naypyitaw.
Một tổ chức cùng ngày cho Reuters biết chiến đấu cơ của quân đội Myanmar đã giết chết ít nhất 3 người trong cuộc không kích vào ngôi làng do nhóm vũ trang thiểu số Karen kiểm soát. Trước đó, Liên minh Quốc gia Karen (KNU) tuyên bố họ đã tấn công một trạm kiểm soát của quân đội gần biên giới Thái Lan, giết chết 10 người. Các cuộc không kích khiến dân làng chạy trốn vào rừng.
Giao tranh cũng nổ ra hôm 28-3 giữa một nhóm vũ trang khác là Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và quân đội Myanmar ở khu vực Hpakant. Lực lượng KIA đã tấn công một đồn cảnh sát và bị quân đội đáp trả bằng cuộc không kích, theo trang Kachinwaves.
Như mọi khi, quân đội Myanmar không bình luận về các vụ tấn công trên.
Trẻ em tại một nơi trú ẩn ở bang Karen hôm 27-3. Ảnh: Reuters
Trong khi Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) lên án quân đội Myanmar sử dụng bạo lực, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Tom Andrews cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hành động - nếu không thông qua Hội đồng Bảo an thì thông qua một hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẩn cấp.
Ông Andrews gợi ý nên cắt đứt chính quyền quân sự Myanmar khỏi các nguồn tài trợ, chẳng hạn như nguồn thu từ dầu khí và quyền tiếp cận vũ khí.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích từ nước ngoài và các biện pháp trừng phạt do một số quốc gia phương Tây áp đặt cho đến nay vẫn không thể lay chuyển giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Trong khi đó, làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn hằng ngày trên khắp đất nước kể từ khi quân đội nắm quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Bình luận (0)