Sau khi thượng viện Paraguay thông qua dự luật nêu trên, những người biểu tình đã nổi lửa đốt trụ sở quốc hội. Hiến pháp ban hành năm 1992 của nước này quy định tổng thống chỉ được làm 1 nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Horacio Cartes - với nhiệm kỳ dự kiến kết thúc vào năm 2018 - cố gắng loại bỏ những hạn chế của Hiến pháp để tái tranh cử. Nếu dự luật được thành luật, cựu Tổng thống Fernando Lugo - bị lật đổ năm 2012 - cũng có thể tham gia bầu cử.
Đài BBC đưa tin một nhóm người quá khích đập vỡ cửa sổ tòa nhà quốc hội ở thủ đô Asuncion - Paraguay, “lục soát” văn phòng của các nghị sĩ ủng hộ dự luật. Hỏa hoạn cũng xảy ra ở tòa nhà này, kéo dài 1-2 giờ. Cảnh sát buộc phải sử dụng đạn cao su và vòi rồng để giải tán đám đông. Báo chí địa phương cho biết hàng chục người đã bị thương, bao gồm người biểu tình, chính trị gia và cảnh sát.
Thủ lĩnh Đảng Tự do Paraguay đối lập Efrain Alegre cho hay một thanh niên bị giết chết trong cuộc bạo loạn. Phóng viên Santi Carneri của BBC nhận định đây là cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi Paraguay thoát khỏi quãng thời gian dài nằm dưới quyền nhà độc tài quân sự Alfredo Stroessner (1954-1989).
Tại một quốc gia Nam Mỹ khác là Venezuela, Tòa án Tối cao đã hủy bỏ phán quyết hôm 29-3, trong đó tuyên bố đảm nhận vai trò của quốc hội - do phe đối lập kiểm soát. Phán quyết này bị chỉ trích là “đảo chính”.
Dù Tòa án Tối cao Venezuela được xem là thân cận với Tổng thống Nicolas Maduro song lần này, nhà lãnh đạo tỏ ra không ủng hộ phán quyết. Phát biểu trên truyền hình vào nửa đêm 31-3 (giờ địa phương), ông Maduro cho biết bất đồng giữa Tòa án Tối cao và quốc hội đã được giải quyết nhưng không thông tin chi tiết. Tiếp sau ông Maduro, Phó Tổng thống Tareck El Aissami nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị Tòa án Tối cao xem lại phán quyết... để duy trì sự ổn định thể chế và cân bằng quyền lực”.
Một đồng minh lâu năm khác của ông Maduro là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Luisa Ortega cũng phản ứng: “Đó là một sự vi phạm hiến pháp”.
Bình luận (0)