TP Palm Springs - Mỹ không chỉ ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mà còn trải qua đêm tháng 6 oi bức chưa từng có tại Bắc Mỹ. Trong khi TP Moscow - Nga đang phải hứng chịu tháng 6 nắng nóng kỷ lục kể từ năm 1901, nhiệt độ mặt đất ở Siberia có lúc chạm mốc 47,8 độ C.
Tại Mexico, mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 6 được ghi nhận ở TP Mexicali, bang Baja California, vào ngày 18 khi nhiệt kế chạm mốc 51,4 độ C, gần bằng mức kỷ lục mọi thời đại trên khắp cả nước. Cần lưu ý rằng nhiệt độ Bắc Bán cầu trong tháng 6 thường không cao bằng tháng 7 và tháng 8.
Trong khi đó, theo báo The New York Times, một "vòm nhiệt" đang bao phủ Tây Bắc Thái Bình Dương khiến nhiệt độ vượt ngưỡng 37,7 độ C, là "mức cực đoan" đối với một khu vực xa lạ với tiết hè oi bức và hệ thống điều hòa.
Tại sân bay quốc tế Portland, bang Oregon - Mỹ, nhiệt độ tăng lên 44,4 độ C vào ngày 27-6, con số kỷ lục kể từ khi dữ liệu nhiệt bắt đầu được thu thập tại đây vào năm 1940, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết.
Cùng ngày, Canada ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục sau khi nhiệt độ khu vực Lytton, tỉnh British Columbia, vượt mốc 46,1 độ C - cao hơn 1,1 độ C so với kỷ lục trước đó tại tỉnh Saskatchewan vào năm 1937.
Bên trong một điểm trú nắng ở TP Portland, bang Oregon – Mỹ vào ngày 27-6 Ảnh: REUTERS
Tại khu vực Trung Á, nắng nóng kỷ lục và hạn hán đang gây ra tình trạng thiếu nước và mất mùa. Uzbekistan bước vào tháng 6 với lời cảnh báo nhiệt độ từ ngày 3 đến 7-6 có thể tăng thêm 7-10 độ C so với thông thường. Nhiệt độ đo được tại thủ đô Tashkent vào ngày 6-6 là 42,6 độ C - cao hơn 4,1 độ C so với kỷ lục trước đó đối với riêng ngày này vào năm 1811.
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Tajikistan Jamila Baydulloeva cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 6, có những ngày nhiệt kế chạm mốc 45 độ C ở thủ đô Dushanbe và tỉnh Khatlon. Đây là con số cao kỷ lục từng được Tajikistan ghi nhận vào đầu tháng 6 trong suốt nhiều thập kỷ.
Tương tự, thủ đô Ashgabat của Turkmenistan cũng đang trải qua tháng 6 với nhiệt độ có ngày lên đến 45 độ C trong khi mùa hè chỉ mới bắt đầu. Thông thường, tháng 7 và tháng 8 mới là thời điểm nóng nhất trong năm của Ashgabat nói riêng và Trung Á nói chung.
Theo bản thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc dự kiến được công bố vào tháng 2-2022, nếu nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng thêm 1,5 độ C - tức thêm 0,4 độ C so với mức hiện tại, 14% dân số thế giới sẽ hứng chịu những đợt nắng nóng cực đoan ít nhất 5 năm/lần.
Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, sẽ có thêm 1,7 tỉ người bị đe dọa, báo cáo khẳng định. Thế giới từng chứng kiến hậu quả thảm khốc của nắng nóng gay gắt ở những ngưỡng nhiệt thấp hơn nhiều. Tính riêng năm 2019, theo Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME), thế giới có hơn 300.000 người thiệt mạng vì những vấn đề liên quan đến nhiệt.
Bình luận (0)