Tuy nhiên, thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hôm 13-5 cho biết thêm lúa mì vẫn được phép xuất khẩu sang các quốc gia có nhu cầu vì lý do an ninh lương thực và dựa trên yêu cầu của chính phủ các nước đó.
Quyết định trên nêu bật mối lo ngại của Ấn Độ về lạm phát cao, cũng như làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Một số nước đang tìm cách bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước giữa lúc giá nông sản tăng cao. Chẳng hạn như Indonesia đã ngừng xuất khẩu dầu cọ trong khi Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch đối với mặt hàng ngũ cốc xuất khẩu.
Riêng tại Ấn Độ, một nỗi lo nữa là tác động của thời tiết cực đoan. Theo trang Bloomberg, đợt nắng nóng kỷ lục không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn gây thiệt hại cho sản lượng lúa mì khắp nước.
Đợt nắng nóng kỷ lục đã gây thiệt hại cho sản lượng lúa mì khắp Ấn Độ.Ảnh: Hindustan Times
Theo trang Hindustan Times, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 13-5 có lúc đạt mức 42,5 độ C. Trong khi đó, TP Najafgarh ghi nhận mức cao nhất là 46,1 độ C.
Hồi tuần trước, bang Maharashtra ghi nhận 25 người tử vong do nắng nóng kể từ cuối tháng 3. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu tính trường hợp nắng nóng làm trầm trọng thêm các bệnh hiện có.
Theo trang The Independent, nhiều người Ấn Độ bị chóng mặt, tiêu chảy và phát ban trên da do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan hiện nay. Giới khoa học cảnh báo nắng nóng xảy ra ngày càng gay gắt và thường xuyên ở Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung do tác động của tình trạng trái đất ấm dần lên.
Bình luận (0)