Trang NPR ngày 18-1 dẫn lời nhà khoa học James Garvin tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA cho biết: "Chúng tôi nghĩ đương lượng nổ vào khoảng 10 megaton". Điều này có nghĩa là vụ nổ trong đợt núi lửa phun trào ở Tonga hôm 15-1 mạnh hơn 500 lần quả bom hạt nhân thả xuống TP Hiroshima - Nhật Bản hồi cuối Thế chiến thứ hai.
Vụ nổ lớn đến mức cư dân ở bang Alaska - Mỹ và Fiji (cách 800 km) cũng nghe thấy. Ngoài ra, biến động áp suất không khí gây ra bởi vụ nổ được ghi lại ở TP Brussels - Bỉ. Hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy một đám tro bụi và khí bốc cao 31 km, rộng 260 km vào không trung.
Vụ phun trào gây sóng thần ở Samoa, Fiji, Vanuatu, Úc, New Zealand, Nhật Bản và toàn bộ bờ biển phía Tây của lục địa Mỹ (từ Alaska đến Chile). Ít nhất 3 người được xác nhận đã thiệt mạng ở Tonga cho đến nay.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã bị phá huỷ hoàn toàn sau vụ nổ khủng khiếp. Ảnh: Twitter
Nhà địa lý học Michael Poland, Trung tâm khảo sát địa chất Mỹ, đánh giá đây là một trong những sự kiện lớn nhất xảy ra trên Trái đất trong hơn 1 thế kỷ qua, cũng có thể là vụ núi lửa phun trào lớn nhất kể từ vụ núi lửa phun trào ở Indonesia năm 1883 khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Ông Poland cho biết thêm điều tồi tệ nhất có thể đã kết thúc - ít nhất là bây giờ - bởi nếu xem xét các vụ phun trào tương tự trong quá khứ, sẽ không có một vụ nổ nào khác trong một thời gian nữa.
Theo nhà khoa học NASA Dan Slayback, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã bị phá huỷ hoàn toàn sau vụ nổ khủng khiếp. Hòn đảo nhỏ cùng tên - nâng lên mặt nước hồi năm 2014 - nằm gần miệng núi lửa cũng bị xoá sổ. Vụ nổ được cho là bị kích hoạt bởi sự thay đổi đột ngột trong hệ thống nước ngầm, làm cho nước biển tràn vào.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20-1 thông báo họ đã giải ngân khoản tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD ban đầu để hỗ trợ Tonga khắc phục hậu quả và phục hồi sau vụ núi lửa phun trào kéo theo sóng thần ngày 15-1.
Khoản hỗ trợ này do chính phủ Tonga yêu cầu và sẽ được dùng để tái thiết các dịch vụ cơ bản và giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất. Khoản tiền được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), quỹ của WB dành cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
Hai dự án tài trợ khác của WB cũng đang được triển khai để hỗ trợ Tonga. Hai dự án này bao gồm Dự án phục hồi Giao thông vận tải và Khí hậu Tonga và Chương trình phục hồi Thái Bình Dương. Cả hai đều nhằm tăng cường khả năng phục hồi các cơ sở hạ tầng trọng điểm ở Tonga, bao gồm các tòa nhà, trường học, văn phòng chính phủ, cảng hàng không và cảng biển.
Bình luận (0)