Những người thiệt mạng bao gồm một phụ nữ 65 tuổi trên đảo Mango, một người đàn ông 49 tuổi trên đảo Nomuka và công dân Anh 50 tuổi tên Angela Glover trên đảo Tongatapu.
Nhà chức trách địa phương cho biết toàn bộ ngôi làng trên đảo Mango đã bị sóng thần cuốn trôi, trong khi đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà. Đảo Namuka cũng ghi nhận "thiệt hại trên diện rộng". Một "cây nấm" khổng lồ bao phủ toàn bộ quốc đảo Thái Bình Dương này.
Các hoạt động cứu hộ như sơ tán các đảo Mango, Fonoifua và Atata đang được tiến hành.
Liên lạc trong nước và quốc tế từ Tonga, với dân số 105.000 người, bị cắt đứt kể từ lúc thảm họa xảy ra hồi cuối tuần trước khi núi lửa Hunga-Tonga phun trào dữ dội, gây ra sóng thần, phủ tro bụi dày lên các hòn đảo gần đó và làm đứt cáp internet dưới biển kết nối nước này với thế giới bên ngoài.
Một hòn đảo ở Tonga bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Bộ Quốc phòng New Zealand
Các nhân viên cứu trợ trên đảo chính Tongatapu cho biết số người chết tại đây có thể sẽ được hạn chế nhưng lo ngại số phận của hàng trăm người sống trên các hòn đảo xa xôi nhỏ hơn đang bị mất liên lạc.
Máy bay trinh sát của không quân Úc và New Zealand đã bay vòng quanh một số hòn đảo ở Tonga ngày 16-1. Quang cảnh "như mặt trăng bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày", các tòa nhà bị san phẳng và người dân sống dưới những tấm bạt.
Ảnh trước và sau khi một hòn đảo bị sóng thần quét qua ở Tonga. Ảnh: EPA
Nỗ lực viện trợ đang bị cản trở bởi thiệt hại đối với cảng và sân bay chính của hòn đảo cùng với chính sách Covid-19 nghiêm ngặt có thể khiến các chuyến hàng và nhân viên viện trợ bị cách ly để ngăn chặn "sóng thần Covid-19".
Tonga chỉ ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 chính thức- một du khách đến từ New Zealand bị cách ly vào tháng 10 năm ngoái. Các bộ trưởng Tonga cảnh báo những người đồng cấp ở New Zealand và Úc - 2 nước đang điều phối nỗ lực viện trợ - rằng sẽ áp đặt biện pháp cách ly Covid-19 bắt buộc cho lực lượng cứu hộ.
Khoảng 60% người dân Tonga đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ cho đến nay.
Bình luận (0)