Bắt đầu hoạt động vào tháng 7-2018, dự án Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) - do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) dẫn đầu - đã phát hiện 2 hành tinh Pi Mensae b (được mô tả là một "siêu trái đất" có chu kỳ quay quanh ngôi sao trung tâm là 6 ngày) và LHS 3844 b (hành tinh sỏi đá với quỹ đạo chỉ 11 giờ).
Phát hiện gần đây nhất của TESS là ngoại hành tinh HD 21749 b trong chòm sao Võng Cổ, cách trái đất 53 năm ánh sáng. Theo trang Independent (Anh), HD 21749 b quay quanh một sao lùn với chu kỳ quỹ đạo 36 ngày và có nhiệt độ bề mặt chỉ khoảng 148 độ C.
Sứ mệnh săn hành tinh của NASA đã phát hiện 3 hành tinh và 6 siêu tân tinh nằm ngoài thái dương hệ Ảnh: NASA
Đây được xem là phát hiện quan trọng để các nhà khoa học tìm hiểu về những hành tinh tương đối nhỏ và có nhiệt độ ôn hòa. Bà Diana Dragomir, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu vật lý học thiên thể và vũ trụ Kavli thuộc MIT và là người dẫn đầu khám phá mới này, cho biết:
"HD 21749 b là hành tinh nhỏ mát nhất xoay quanh một ngôi sao trung tâm mà chúng tôi từng được biết. Thật may mắn khi phát hiện HD 21749 b, giờ đây các nhà khoa học có thể nghiên cứu chi tiết hơn".
So với trái đất, HD 21749 b lớn gấp gần 23 lần và nhiều khả năng là một hành tinh khí hơn là đất đá. Nhiều khả năng nó có tầng khí quyển dày hơn sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Các nhà khoa học đã công bố về ngoại hành tinh đặc biệt này tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thiên văn Mỹ tại TP Seattle từ ngày 6 đến 10-1. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện được dấu vết của một hành tinh khác (chưa được xác thực) có kích thước tương đương trái đất.
Bình luận (0)