Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết nếu Nga không làm theo yêu cầu trên, NATO sẽ có phản ứng mang tính phòng thủ, thận trọng và phối hợp. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho biết thêm các lực lượng NATO sẽ không triển khai tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất để đáp trả.
Theo hãng tin Reuters, các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 26-6 thảo luận về các bước đi tiếp theo trong trường hợp Moscow tiếp tục duy trì hệ thống tên lửa hành trình - bị Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987.
Nguồn tin ngoại giao cho biết hội nghị xem xét các biện pháp như cho phép chiến đấu cơ Mỹ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tăng cường các chuyến bay trên không phận châu Âu, đồng thời tăng huấn luyện quân sự và tái định vị các tên lửa trên biển của Mỹ trong khu vực.
Các thành phần của hệ thống tên lửa 9M729 được Nga trưng bày tại một cuộc họp báo đầu năm nay Ảnh: REUTERS
Moscow cho đến giờ vẫn bác bỏ đòi hỏi của Washington và NATO liên quan đến hệ thống tên lửa 9M729 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nga cũng khẳng định tên lửa này không vi phạm Hiệp ước INF (cấm phát triển tên lửa từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km), đồng thời cáo buộc Mỹ tìm cớ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được, Washington dự kiến chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2-8 tới, qua đó không còn bị hạn chế phát triển tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga hôm 26-6 tiến hành thảo luận dự luật đình chỉ Hiệp ước INF do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết cơ quan này sẽ ủng hộ dự luật, đồng thời nhận định quyết định đình chỉ hiệp ước là "hoàn toàn đúng đắn" vì cho phép Nga có quyền phát triển vũ khí phù hợp với lợi ích và an ninh quốc gia.
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 26-6 tuyên bố Moscow sẵn sàng đáp trả mọi bước đi của NATO nhằm vào quyết định của Nga liên quan đến việc đình chỉ Hiệp ước INF.
Bình luận (0)