Sáng 21-6 (giờ địa phương), một chiến đấu cơ F-16 của NATO tiếp cận máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trên biển Baltic.
Theo đài RT, máy bay chở ông Shoigu lúc đó đang trên đường tới TP Kaliningrad.
Một tiêm kích Sukhoi Su-27 của Nga đi theo hộ tống sau đó đã "ngăn chặn và xua đuổi" chiếc F-16.
Hãng tin TASS cho biết NATO ngày 21-6 "ca ngợi" phản ứng của các phi công và máy bay hộ tống của Nga là "chuyên nghiệp và an toàn".
"Ba máy bay Nga bị theo dõi trên biển Baltic ngày hôm nay (21-6). Chiến đấu cơ của NATO đã cố gắng xác định chúng nhưng không có thông tin về người ngồi trên máy bay (là ông Shoigu). Chúng tôi đánh giá hành động của phi công Nga là an toàn và chuyên nghiệp" – một quan chức NATO tuyên bố.
Trái với thông tin chiếc F-16 bị máy bay Sukhoi Su-27 "ngăn chặn và xua đuổi", NATO khẳng định chiến đấu cơ của họ vẫn đi theo lộ trình như bình thường, không hề bị "xua đuổi".
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: AP
Đầu tuần này, Mỹ cho biết một máy bay Nga đã bay cách một máy bay do thám của họ chỉ 1,5 m. Các quan chức Washington đổ lỗi cho Moscow về hành động không an toàn trên biển Baltic này. Đáp lại, Nga tố máy bay do thám Mỹ đã "thực hiện các hành vi khiêu khích".
Trong một cuộc họp với các chỉ huy quân đội ở TP Kaliningrad hôm 21-6, ông Shoigu cáo buộc NATO tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới phía Tây nước Nga. Ông Shoigu cũng đề cập tới các cuộc tập trận gần đây của NATO với sự tham dự của 10.000 binh sĩ, 70 tàu và một số máy bay chiến đấu.
Kể từ vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania.
Các vụ chạm trán giữa máy bay Nga và Mỹ gần đây diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa 2 nước leo thang sau vụ Mỹ bắn hạ một máy bay của Syria vì tấn công vị trí của quân nổi dậy được Washington hậu thuẫn hồi tuần trước.
Ngày 20-6, quân đội Mỹ tiếp tục bắn rơi một máy bay không người lái của Syria.
Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller. Ảnh: TASS
Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller, hôm 21-6 hy vọng Nga và Mỹ sẽ nối lại thỏa thuận về ngăn ngừa sự cố tại các vùng xung đột ở Syria. Moscow xác nhận các biện pháp ngăn chặn này đã bị đình chỉ kể từ vụ Mỹ bắn hạ máy bay Syria nhưng Washington khẳng định họ vẫn để ngỏ các kênh đối thoại.
Trong một diễn biến liên quan, Úc vừa thông báo sẽ tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria, 2 ngày sau khi nước này chấm dứt các hoạt động quân sự. Nguyên nhân là Canberra lo ngại tuyên bố "xem máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu là mục tiêu tiềm tàng khi bay phía Tây sông Euphrates" của Nga.
Dù vậy, sau khi xem xét tuyên bố trên, Úc quyết định nối lại không kích ở Syria nhưng không nói rõ thời điểm.
Máy bay F/A-18A Hornet của Úc tiếp nhiên liệu trên không tại Trung Đông ngày 22-4-2016. Ảnh: REUTERS
Bình luận (0)