Theo Reuters, đây là tín hiệu mới nhất cho thấy phương Tây đang chuẩn bị cho kịch bản Nga tấn công Ukraine dù Moscow liên tục khẳng định họ không có kế hoạch này.
"Tôi hoan nghênh việc các đồng minh đóng góp lực lượng bổ sung cho NATO. NATO sẽ tiếp tục triển khai mọi động thái cần thiết để bảo hộ và bảo vệ toàn bộ đồng minh, bao gồm củng cố phần phía Đông của khối liên minh" – Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.
Ngày 24-1, tàu sân bay USS Harry S Truman cùng nhóm tác chiến tấn công đã tham gia hoạt động tuần tra dọc biển Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với đầy đủ thành phần đã được đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Cùng ngày, Đan Mạch huy động một khinh hạm tới biển Baltic và 4 tiêm kích F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha đề nghị đưa một khinh hạm tới biển Đen và một máy bay tới Bulgaria, trong khi Hà Lan sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu F-35 tới Bulgaria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ chính quyền của ông sẵn sàng đưa binh lính tới Romania và đặt họ dưới sự chỉ huy của NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ tiếp tục triển khai mọi động thái cần thiết để bảo hộ và bảo vệ toàn bộ đồng minh. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Anh cho biết đang sơ tán một vài nhân viên và người phụ thuộc khỏi Đại sứ quán Anh ở Ukraine vì "rủi ro gia tăng từ Nga", một ngày sau khi Mỹ yêu cầu toàn bộ thành viên gia đình nhân viên đại sứ rời Ukraine.
"Nga có thể hành động quân sự bất cứ lúc nào. Các quan chức sẽ không có khả năng sơ tán công dân Mỹ trong một tình huống bất ngờ như vậy, vì thế công dân Mỹ đang ở Ukraine nên lên kế hoạch phù hợp" – Đại sứ quán Mỹ thông báo.
Tương tự các cuộc đàm phán vào giữa tháng này, cuộc gặp mới nhất giữa Mỹ và Nga hôm 21-1 không tạo ra được bất cứ bước đột phá nào.
Nga muốn NATO rút lại cam kết cho phép Ukraine gia nhập khối trong tương lai, đồng thời yêu cầu NATO rút binh sĩ và khí tài ra khỏi một số quốc gia Đông Âu.
Mỹ nhấn mạnh đây là những yêu cầu không thể chấp nhận nhưng họ sẵn sàng đàm phán những ý tưởng khác liên quan đến kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin.
Washington và Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua liên tục cảnh báo Moscow về lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng thấy nếu họ tấn công Ukraine.
Nga đang chuẩn bị cho chuỗi tập trận rầm rộ dự kiến diễn ra đến hết tháng sau. Ảnh: RT
Trong khi đó, Hạm đội Baltic Nga (RBF) ngày 24-1 thông báo 2 tàu chiến lớp Steregushchiy, gồm Soobrazitelnyy và Stoikiy, đã rời cảng Baltiysk để tham gia các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn dự kiến diễn ra đến hết tháng 2.
Theo đài RT, Soobrazitelnyy và Stoikiy được thiết kế cho các chiến dịch vùng ven biển nhưng cũng có một vài khả năng dưới biển sâu. Hai tàu chiến này sẽ tham gia nhiều nội dung huấn luyện để trau dồi kỹ năng của thủy thủ đoàn ở nhiều sứ mệnh khác nhau, từ săn lùng tàu ngầm và phòng không đến tìm kiếm và cứu hộ.
NATO ồ ạt điều binh, tàu chiến Nga xuất bến
RBF không tiết lộ đích đến cụ thể, chỉ nói rằng Soobrazitelnyy và Stoikiy đã được triển khai để tham gia một hành trình dài.
Đây là một phần trong chuỗi tập trận quy mô lớn được Hải quân Nga tiến hành đến hết tháng 2. Hải quân Nga sẽ điều động hơn 140 tàu chiến và tàu hậu thuẫn, khoảng 60 máy bay và 10.000 binh sĩ cho đợt tập trận này.
Chuỗi tập trận quy mô lớn sẽ diễn ra gần các vùng biển của Nga, cũng như những khu vực chiến lược của thế giới, như Địa Trung Hải và Biển Bắc. Ảnh: RT
Nga và Ukraine chuẩn bị hội đàm
Giới chức Nga và Ukraine sẽ hội đàm tại thủ đô Paris vào ngày 26-1, một trợ lý giấu tên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ, đồng thời cho biết ông chủ Điện Elysee tin "vẫn còn chỗ cho ngoại giao để xuống thang căng thẳng".
Người này cho biết thêm Tổng thống Macron sẽ liên lạc với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong "vài ngày tới" nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.
Bình luận (0)