Ở lần mở rộng thứ 9 vừa qua, NATO hôm 4-4 kết nạp Phần Lan làm thành viên thứ 31. Sự tham gia NATO của Phần Lan - và tới đây có thể là Thụy Điển - thuộc diện đáng được chú ý hơn cả và tác động mạnh mẽ nhất tới chính trị thế giới và an ninh ở châu Âu vì hai nước này từ bỏ chính sách trung lập truyền thống để tham gia liên minh quân sự.
NATO và Phần Lan biện luận cho lần mở rộng liên minh này bằng nhu cầu ứng phó thách thức và đe dọa an ninh từ phía Moscow, dùng việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine làm bằng chứng thời sự nhất. Phần Lan chủ trương núp dưới cái ô bảo hộ an ninh của NATO, cho rằng chính sách trung lập truyền thống không còn có thể bảo đảm an ninh cho nước này.
NATO cũng mưu tính là sau khi có thêm Phần Lan, liên minh quân sự này gia tăng được thêm thế và lực để bảo đảm tốt hơn an ninh cho các thành viên, để củng cố và tăng cường được vị thế, vai trò và ảnh hưởng về chính trị, quân sự và an ninh ở châu Âu cũng như để đối phó Nga hiệu quả hơn.
Với NATO, đối phó Nga ở đây là không để cho Moscow có thể thách thức và đe dọa an ninh của các nước thành viên. Một mục tiêu khác là kiềm chế được Nga trong cuộc chơi về ảnh hưởng và vai trò chính trị thế giới giữa phương Tây với Moscow và trong cuộc chơi về quân sự, an ninh ở châu Âu giữa NATO với Nga. Xưa nay, ở lần mở rộng liên minh nào NATO cũng đều hành xử theo phương châm "Tăng lượng để tăng chất".
Quốc kỳ Phần Lan được kéo lên tại trụ sở của NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 4-4, đánh dấu việc nước này là thành viên thứ 31 của NATO Ảnh: REUTERS
Có thêm thành viên, NATO tăng thêm được thực lực trên một số phương diện nhất định. Ở lần mở rộng thứ tư năm 1999, NATO thu nạp lần đầu tiên 3 thành viên của khối Warsaw trước đây (không tính CHDC Đức trong nước Đức thống nhất) là Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary; ở vòng mở rộng thứ 5 vào năm 2004 kết nạp những thành viên khác của khối Warsaw trước đây ở vùng Trung và Nam Âu cũng như 3 nước Baltic, tạo dựng vòng cung bao bọc quanh Nga từ phía Nam hắt lên.
Giờ có thêm Phần Lan, NATO gần như hoàn tất cả việc áp sát vùng biên giới Nga lẫn việc vây bọc Nga ở phía Bắc. Phần Lan đem theo vào NATO hơn 1.300 km đường biên giới chung với Nga, giúp liên minh quân sự này tăng gần gấp đôi chiều dài biên giới chung trước đấy đã có. NATO tạo ra được không những chỉ có cục diện chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh mới mà còn cả thế bố trí chiến lược mới bất lợi cho Nga.
Việc NATO mở rộng còn là bằng chứng thể hiện sự hậu thuẫn gia tăng của họ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Điều này cũng cho thấy quyết tâm của NATO trong việc giúp Ukraine chiến thắng và làm cho Nga không thể thắng được cuộc xung đột.
Hệ lụy không thể tránh khỏi của chủ ý "thêm lượng, thêm chất" của NATO trong chuyện này là Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ và đối phó quyết liệt bởi nước này không thể không coi an ninh của mình bị đe dọa nghiêm trọng thêm. Mối quan hệ giữa Nga với NATO và với Phần Lan sẽ thêm căng thẳng và trắc trở mà việc hòa giải càng thêm khó khả thi.
Ngoài ra, Nga sẽ phải gia tăng quyết tâm giành phần thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chuyện chính trị an ninh ở châu Âu càng thêm phức tạp và dễ diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan.
Bình luận (0)