Tổng số người thiệt mạng vì nCoV tại Trung Quốc tính đến ngày 10-2 đã lên đến 1.016 người - tăng thêm 108 người so với 1 ngày trước đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết hôm 11-2.
Đây là lần đầu tiên nCoV cướp đi sinh mạng của hơn 100 người trong 1 ngày. Cùng thời điểm, Trung Quốc ghi nhận thêm 2.478 ca nhiễm mới (ngày trước đó 3.062 ca), nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 42.638 ca. Đây là lần thứ hai trong 2 tuần qua giới chức ghi nhận số ca nhiễm nCoV trong 1 ngày giảm. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định các ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc có thể "châm ngòi cho ngọn lửa mới lớn hơn".
Đến thời điểm hiện tại, theo giới chức Trung Quốc và WHO, đã có 319 trường hợp nhiễm virus được ghi nhận tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Nỗi lo nCoV đã gây tổn thất nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi các nhà máy và doanh nghiệp buộc phải kéo dài thời gian nghỉ trong bối cảnh hàng loạt thành phố bị phong tỏa, xí nghiệp bị đóng cửa và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hơn 300 công ty Trung Quốc - hoạt động trong các lĩnh vực từ giao thức ăn đến sản xuất điện thoại thông minh - đang tìm kiếm các khoản vay ngân hàng với tổng trị giá ít nhất 8,2 tỉ USD để đối phó sự gián đoạn hoạt động kéo dài.
Công ty công nghệ truyền thông Xinchao Media trong một tuyên bố hôm 10-2 cho biết đã cắt giảm 10% nhân sự, tương đương 500 người, trong khi chuỗi nhà hàng Xibei cho biết họ đang lo lắng về việc làm thế nào để trả lương cho khoảng 20.000 nhân viên.
Thưa vắng khách tại một cửa hàng tiện lợi ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc (ảnh chụp ngày 11-2) Ảnh: REUTERS
Sau khi thông báo cắt giảm lãi suất cùng hàng loạt giải pháp giúp giảm thiểu suy thoái kinh tế, giới chức Trung Quốc hôm 11-2 tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm ổn định thị trường việc làm. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn triển khai chính sách thuế mới để giảm gánh nặng cho các nền công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo một viện nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế hằng năm của nước này có thể sẽ giảm 1 điểm phần trăm vì nCoV và giới phân tích lo ngại sự gián đoạn kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Nhiều người Trung Quốc đã trở lại làm việc vào ngày 10-2 sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán được kéo dài khoảng 10 ngày, song giao thông buổi sáng thông thoáng hơn rất nhiều so với bình thường và nhiều nhà máy vẫn chưa hoạt động trở lại.
"Sự bùng phát nCoV đã thay đổi hoàn toàn sự năng động của kinh tế Trung Quốc" - Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ) đánh giá. Theo Reuters, giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế chạm mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang nỗ lực để đạt được sự cân bằng giữa cuộc chiến bảo vệ nền kinh tế vốn đã bị chậm lại vì chiến tranh thương mại và cuộc chiến chống nCoV.
Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết WB đang làm việc với WHO để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Trung Quốc đối phó nCoV. Cũng theo ông Malpass, các chuyên gia của WB đang bàn bạc với phía Trung Quốc và sẵn sàng hỗ trợ tức thì trong lĩnh vực giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm cũng như kinh nghiệm từ các đại dịch trước đây. Tuy nhiên, ông Malpass khẳng định WB không có kế hoạch hỗ trợ các khoản vay mới cho Trung Quốc vì quốc gia này "quá giàu".
Một người dân mang khẩu trang tại một khu dân cư ở TP Thượng Hải Ảnh: Reuters
Nhiều thành phố lớn tăng cường phòng chống dịch bệnh
Theo sau thủ đô Bắc Kinh, chính quyền TP Thượng Hải hôm 10-2 công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm vào các cộng đồng dân cư trong nỗ lực ngăn nCoV lây lan. Các biện pháp được 2 TP lớn nhất Trung Quốc công bố gồm giám sát gắt gao hơn hoạt động đi lại của người dân và xe cộ, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tạm đóng cửa các dịch vụ giải trí và cộng đồng không thiết yếu...
Theo giới chức Thượng Hải, phần lớn trong số 13.000 cộng đồng dân cư và chung cư tại thành phố này đã thực thi các biện pháp nghiêm ngặt, như hạn chế người ra vào và kiểm tra thân nhiệt bắt buộc. Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh với dân số hơn 20 triệu người sẽ siết chặt hơn nữa quy định ra vào tại các cộng đồng dân cư và chung cư. Dịch vụ thư tín và giao hàng sẽ bị hạn chế tiếp cận các khu dân cư và chung cư.
Bắc Kinh dự kiến đưa vào hoạt động một hệ thống đăng ký thông tin quy mô toàn thủ đô, ghi nhận danh tính người mới đến địa phương này. Bất kỳ ai từng đến tỉnh Hồ Bắc hoặc các điểm nóng bùng phát dịch bệnh trong nửa tháng qua thì không được rời nhà. Những người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm nCoV sẽ được cách ly.
Các biện pháp chưa từng có tiền lệ nói trên được thực thi trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV tại Bắc Kinh và Thượng Hải không ngừng gia tăng. Có 337 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong vì nCoV tại Bắc Kinh cho đến giờ, trong đó có 11 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 9-2. Trong khi đó, thêm 7 ca nhiễm mới được xác nhận tại TP Thượng Hải hôm 9-2, nâng tổng số ca lên 299.
Vào tuần rồi, một số TP lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Hàng Châu và Thành Đô đã áp dụng những biện pháp tương tự. Chính quyền hai tỉnh Liêu Ninh và Giang Tây cũng có động thái tăng cường kiểm soát để ứng phó nguy cơ dịch lây lan. Theo thống kê, những biện pháp phong tỏa một phần đã được áp dụng tại hơn 80 TP trong gần 20 tỉnh và vùng đô thị ở Trung Quốc.
Hoàng Phương
Bình luận (0)