Hai vợ chồng Gyanendra rời hoàng cung trên một chiếc xe hiệu Mercedes màu đen sang trọng, trong khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai gác khu vực cổng chính. Trước đó, ông cho biết đã giao lại cây quyền trượng hoàng gia và chiếc mũ miện vô giá cho chính phủ bảo quản, đồng thời cam kết sẽ làm việc vì một nước cộng hoà Nepal.
Cựu vương Nepal tuyên bố: “Tôi tôn trọng quyết định của nhân dân”. Ông cũng khẳng định sẽ không rời bỏ đất nước để đi sống lưu vong, đồng thời tái phủ nhận mọi dính líu tới vụ thảm sát trong hoàng gia năm 2001 như tin đồn. Ông dẫn chứng việc vợ mình cũng bị trúng một số viên đạn, khi thái tử Dipendra bắn chết vua cha Birendea và 8 người khác trong hoàng gia rồi tự sát năm đó.
Gia đình Gyanendra chuyển đến sống tạm thời tại một khu nhà ở Nagarjun, ngoại ô Kathmandu, còn cung điện cũ sẽ trở thành bảo tàng. Nơi ở mới của vợ chồng cựu vương khá rộng rãi và tiện nghi, nhưng có vẻ ngoài giống như mọi ngôi nhà khác. Đây là việc đã được lên kế hoạch sau hi quốc hội Nepal do khối Maoist kiểm soát bỏ phiếu phê chuẩn việc xoá bỏ chế độ quân chủ, hồi tháng trước.
Cựu vương Gyanendra cho biết, ông lên cầm quyền vào năm 2005 với hy vọng sẽ mang lại sự hoà giải và ổn định cho Nepal, nhưng ông thừa nhận mọi việc sau đó đã diễn ra không như kế hoạch của mình. Sự kiện vợ chồng Gyanendra dọn khỏi hoàng cung đã đánh dấu sự sụp đổ của triều đại Shah, vốn có công trong việc thống nhất vương quốc Nepal hơn hai thế kỷ trước.
Chính phủ của nhà nước cộng hòa Nepal mới dự kiến sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của đảng chiếm đa số trong quốc hội thuộc phe Maoist. Phong trào này mới hạ vũ khí và bắt đầu tham gia các tiến trình chính trị từ năm 2006, sau khi ký thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ.
Sự sụp đổ của nền quân chủ Nepal Tháng 11-1991: Nepal lập chế độ quân chủ lập hiến dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Birendra. Tháng 6-2001: Thái tử Dipendra bắn chết 9 người trong hoàng gia gồm cả vua cha Birendra rồi tự sát. Gyanendra thừa kế ngai vàng. Tháng 2-2005: Gyanendra giải tán chính phủ và giành lại quyền lực tối cao trong việc điều hành đất nước. Tháng 4-2006: Những cuộc biểu tình rầm rộ buộc Nepal tái lập quốc hội và Gyanendra bị tước hầu hết quyền lực. Tháng 4-2008: Khối chính trị Maoist giành đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội. Tháng 5-2008: Nepal tuyên bố thiết lập nền cộng hoà, chấm dứt 240 năm chế độ quân chủ. Tháng 6-2008: Cựu vương Gyanendra dọn khỏi hoàng cung ở Kathmandu. |
Bình luận (0)