Nhiều nguồn tin xác nhận phiên tòa dự kiến tiến hành vào cuối tháng 4 nhưng sau bị hoãn không rõ lý do.
Suy đoán về sự thể đó, không ít người cho rằng có thể vì ông Chu Vĩnh Khang đã chối tội. Theo kế hoạch, ông Chu sẽ bị xét xử tại một tòa án ở Thiên Tân (cách Bắc Kinh 120 km) với các tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và tiết lộ bí mật nhà nước. Hình phạt tối đa của tội nhận hối lộ là tử hình, còn đối với tiết lộ bí mật nhà nước và lạm quyền có thể lãnh án 7 năm tù cho mỗi tội danh.
Một nguồn tin nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng 2 con trai ông này là Chu Bân và Chu Hàm cũng bị bắt. Cả 2 thuê luật sư riêng biện hộ và được Bắc Kinh chấp thuận. Ít nhất một người con của ông đã được phép gặp luật sư ở Hồ Bắc.
Theo một luật sư có kinh nghiệm trong các vụ xét xử kiểu này, “thông thường, các vụ án liên quan đến quan chức cấp cao thường diễn biến theo kế hoạch và hầu hết nghi phạm đều nhận tội trước khi xét xử. Phản cung tại tòa án sẽ không giúp được gì nhiều cho họ”. Tuy nhiên, nhà bình luận Trương Lập Phàm nhận định nếu ông Chu Vĩnh Khang dự đoán mình có thể bị tuyên án tử hình, ông có lẽ đã quyết định rút lại lời khai để lôi kéo thêm những quan chức khác vào vụ án. “Rất có thể Chu Vĩnh Khang cho rằng nếu như ông ta phải chết, người khác cũng sẽ không thể sống thoải mái được” – ông Trương nói.
Đến nay, 2 thân tín của ông Chu là cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn và cựu Bí thư Tứ Xuyên Lý Xuân Thành đã bị đưa ra xét xử. Trong vụ xử Lý Xuân Thành, công tố viên cho biết dưới sự chỉ đạo của ông Chu, ông Lý đã vi phạm pháp luật, giúp đỡ người khác để trục lợi. Đó là lần đầu tiên tên Chu Vĩnh Khang xuất hiện trong văn kiện xét xử của tòa án công bố trước công chúng.
Bình luận (0)