Dựa vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 đã được cải thiện - bao gồm tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, số ca tử vong và nhập viện giảm - sau 2 năm ứng phó với đại dịch, Đức và nhiều nước châu Âu mới đây đã thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, chủ động thích ứng dần để từng bước quay lại cuộc sống bình thường. Đây là một tín hiệu tốt lành cho người dân và các doanh nghiệp.
Từ ngày 4-3, số người tham gia các sự kiện ngoài trời tại Đức được tăng tối đa lên 25.000. Các sự kiện diễn ra trong nhà được phép tập trung người đến 60% sức chứa tối đa. Dù vậy, những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn phải chấp nhận những giới hạn nhất định.
Viện Robert Koch cũng vừa đưa ra danh sách 60 quốc gia và vùng lãnh thổ không thuộc khu vực nguy cơ rủi ro cao về Covid-19, trong đó có Việt Nam. Theo đó, du khách đến Đức từ các nơi này chỉ cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ mà không phải cách ly. Từ ngày 20-3, hầu hết các biện pháp hạn chế mạnh sẽ được dỡ bỏ nếu tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm và khả năng cho phép của các bệnh viện.
Dù Đức được cho là đã qua mức đỉnh dịch Covid-19 và đang trên đà giảm dần, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach vẫn kêu gọi lãnh đạo 16 tiểu bang thực hiện đúng lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng dịch, thay vì đốt cháy giai đoạn mà dỡ bỏ nhanh quá.
Hiện tại, nhóm người cao tuổi tại Đức được bảo vệ khá tốt, tỉ lệ tử vong tính trên 1 triệu dân thấp hơn so với các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, ông Lauterbach vẫn dự báo về một làn sóng dịch có thể sẽ đến vào mùa thu tới, vì vậy chính quyền luôn phải có cách ứng phó kịp thời.
Một cửa tiệm ở Giessen - Đức có biển yêu cầu khi khách vào chỉ cần đeo khẩu trang FFP2
Hai năm qua là quãng thời gian thách thức lớn đối với nhiều người dân Đức, không chỉ về sức khỏe mà còn cả tài chính. Đại dịch toàn cầu làm chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, chi phí năng lượng gia tăng và giá lương thực cao đang gây ra nhiều áp lực cho các gia đình.
Những người nội trợ thường đi mua sắm lương thực và nhu yếu phẩm hằng ngày cho gia đình sẽ nhận thấy rõ nhất điều này, khi giá cả trong siêu thị đều tăng trung bình 10%-20%, thậm chí có mặt hàng còn tăng đến 30% như dầu ăn... Chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng tăng nhẹ tùy theo dịch vụ.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu kinh tế thị trường, sức tiêu dùng ở Đức sẽ không giảm đi trong năm 2022 mà sẽ tăng lên, do nhu cầu bị dồn nén từ lâu của người dân nay được bung ra.
Chính phủ Đức cũng luôn có các chính sách đồng hành kịp thời để hỗ trợ người dân, phù hợp với thực tế cuộc sống như: Tăng lương cơ bản cho người có thu nhập thấp, tăng mức trợ cấp thất nghiệp; cho phép người sử dụng lao động giảm giờ làm việc của nhân viên khi vẫn giữ được họ suốt thời gian đại dịch vừa qua; bổ sung tiền hỗ trợ cho trẻ em; lương hưu dự kiến tăng 4,4% từ tháng 7-2022... Đức cũng sẽ giảm thuế tiêu thụ điện từ năm tới để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, những ngày qua, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây tác động ngày càng lớn đến nhiều nước. Mỹ và phương Tây đã dùng nhiều biện pháp mạnh trừng phạt nền kinh tế Nga, trong đó có các công ty dầu mỏ và khí đốt - nguồn năng lượng lớn cung cấp cho châu Âu.
Giá dầu thô trên thế giới đã tăng mạnh khiến chỉ trong vòng 1 tuần qua, chỉ số giá tại các cửa hàng xăng dầu ở Đức tăng vọt: dầu diesel từ 1,4 euro lên 1,8 euro/lít, xăng A95 từ 1,6 euro lên 2 euro/lít. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay.
Nếu xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, dự báo giá nhiên liệu sẽ tăng cao hơn nữa. Đồng euro sẽ mất giá, lạm phát sẽ tăng dẫn đến giá sinh hoạt leo thang và cuộc sống đã khó khăn vì dịch bệnh sẽ càng theo đà đi xuống.
Bình luận (0)