Ông Vladimir Rogov, lãnh đạo phong trào We Are Together With Russia (tạm dịch: Chúng tôi sát cánh với Nga), viết trên ứng dụng Telegram vào ngày 20-4: "Tại vùng Zaporozhye, Lực lượng Không quân Ukraine đã mất thêm một chiếc máy bay Su-25. Công tác tìm kiếm phi công đang được tiến hành".
Ông cho biết thêm máy bay chiến đấu của Ukraine đã bị hệ thống tên lửa phòng không Buk của Nga bắn hạ.
Trong tuyên bố cập nhật tình hình chiến sự ngày 19-4, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ một máy bay tấn công mặt đất Su-25 của Không quân Ukraine trên bầu trời Ugledar thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng vào ngày hôm qua".
Bên cạnh đó, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết quân đội nước này đã đánh sập một cầu phao của Ukraine tại Donetsk. Trong ngày 19-4, Trung tướng Konashenkov xác nhận lực lượng thân Nga đã giành thêm 3 khu vực tại TP Bakhmut, qua đó kiểm soát khoảng 90% thành phố chiến lược này.
Lính Ukraine chiến đấu ở TP Bakhmut. Ảnh: Reuters
Trung tướng Igor Konashenkov cho biết từ khi xung đột nổ ra đến nay, Lực lượng Vũ trang Nga đã phá huỷ tổng cộng 411 máy bay chiến đấu, 228 máy bay trực thăng, 3.776 máy bay không người lái, 415 hệ thống tên lửa đất đối không, 8.732 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác của Ukraine.
Ngoài ra, 1.089 bệ phóng tên lửa, 4.619 khẩu pháo dã chiến và súng cối và 9.617 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt của Kiev cũng bị tiêu diệt kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Thành viên lực lượng Wagner khai hỏa vào mục tiêu của Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: Sputnik
Trong một diễn biến khác, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 20-4 cho biết bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc có cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không sẽ phụ thuộc vào hành động của Moscow.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters vào ngày 19-4. Tổng thống Yoon Suk-yeol nói: "Nếu xảy ra tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua, như tấn công quy mô lớn vào dân thường… chúng tôi sẽ khó có thể chỉ hỗ trợ nhân đạo hay tài chính".
Lên tiếng sau phát biểu này, Điện Kremlin nói rằng việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí có nghĩa là tham gia gián tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Sau đó, hãng tin Yonhap ngày 20-4 dẫn lời một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho rằng những lời nói của tổng thống là một phản ứng thông thường. Theo quan chức này, Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đề cập đến một tình huống giả định, trong đó cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine được cộng đồng quốc tế coi là nghiêm trọng.
Bình luận (0)