Theo báo South China Morning Post (SCMP) hôm 17-4, Moscow gần đây đề ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng các cảng mới và cơ sở hạ tầng khác để tăng cường vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực - còn được gọi là Tuyến đường biển Bắc.
Đại sứ Nga tại Bắc Kinh Andrey Denisov cho SCMP biết nước này đang đàm phán về việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua tuyến đường "Sức mạnh Siberia 2".
Ông Denisov nói rằng hầu như tất cả mọi thứ đã được hoàn tất, chỉ còn lại vấn đề giá cả. Ông Denisov cũng lạc quan về khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trong bối cảnh đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
"Trung Quốc như một người mua cần khí đốt và nguồn cung cấp dài hạn đáng tin cậy. Nga chắc chắn là loại nguồn cung cấp đó" – vị đại sứ Nga nhấn mạnh.
Khách mời tại Diễn đàn Bắc cực quốc tế ở Nga xem đoạn phim về một tàu phá băng hồi đầu tháng này. Ảnh: EPA
SCMP cho biết tuyến đường "Sức mạnh Siberia 1" dự kiến hoàn thành vào ngày 10-12 và sẽ vận chuyển khoảng 38 tỉ m3 khí đốt sang Trung Quốc mỗi năm. Và bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến tuyến đường "Sức mạnh Siberia 2" cũng có thể tăng cường liên minh năng lượng giữa Bắc Kinh và Moscow.
Tổng thống Vladimir Putin từng mô tả Bắc Cực là khu vực quan trọng nhất đối với tương lai của Nga. Tuần trước, ông thông báo Moscow đang lên kế hoạch mở rộng các cảng ở Bắc Cực và hoan nghênh đầu tư nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Nga cho hay nước ông cần tàu phá băng, trong khi Trung Quốc có kinh nghiệm xây dựng tàu phá băng và đi qua tuyến đường ở Bắc Cực. Trung Quốc bắt đầu thám hiểm Bắc Cực để phục vụ nghiên cứu khoa học vào những năm 1990.
Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Bắc cực quốc tế ở TP St Petersburg. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, sự hợp tác của Trung Quốc với Nga đã khiến Mỹ khó chịu. Washington cho rằng Bắc Kinh và Moscow đang hình thành một mặt trận thống nhất để thách thức vị thế của mình.
Đầu năm nay, Lầu Năm Góc tuyên bố thực hiện chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ cũng như hỗ trợ an ninh và ổn định ở Bắc Cực.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats nhận định Trung Quốc và Nga đang có mối liên hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết kể từ giữa những năm 1950. Vào tháng 7-2017, lần đầu tiên hai nước Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tập trận chung ở biển Baltic.
Tháng 9-2018, Bắc Kinh cũng tham gia cuộc tập trận quân sự Vostok thường niên của Moscow. Ngoài ra, Nga còn bán thiết bị quân sự tiên tiến cho Trung Quốc, bao gồm hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu SU-35.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng lưu ý cả Trung Quốc và Nga đều thách thức quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích cũng như cố gắng làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ.
Bình luận (0)