Theo tờ The Washington Times, động thái trên nhằm gửi thông điệp đến Nga và Trung Quốc.
Gần đây, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard V. Spencer nhận định Mỹ đang có nguy cơ tụt lại phía sau tại Bắc Cực, đặc biệt là trước các động thái của Hải quân Nga. "Chúng ta cần phải có một cảng chiến lược ở Bắc Cực. Chúng ta cần thực thi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở đó" - ông Spencer phát biểu tại cuộc hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).
Cũng theo ông Spencer, tàu ngầm Mỹ đã hoạt động ở Bắc Cực nhiều thập kỷ nhưng tàu Hải quân Mỹ chưa thực hiện những sứ mệnh lớn tại đó trong những năm qua.
Một tàu ngầm Mỹ sau khi phá lớp băng ngoài khơi bờ biển phía Bắc bang Alaska Ảnh: AP
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây, ông Spencer khẳng định sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực là ưu tiên chú ý của ông kể từ khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Hải quân. Ông chỉ ra sự kiện Nga xây dựng ở đó 5 đường băng và triển khai 10.000 quân lực lượng đặc nhiệm để "tìm kiếm và cứu nạn".
Một số nguồn tin an ninh quốc gia Mỹ lo ngại Washington có thể bị loại khỏi cuộc đua giành ảnh hưởng và lợi ích từ hoạt động khai thác tài nguyên ở Bắc Cực nếu không chú trọng hơn đến các sứ mệnh quân sự tại khu vực này. Do đó, giới lập pháp Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc nhanh chóng soạn thảo kế hoạch chiến lược cho các hoạt động của lực lượng nước này ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương.
Theo một số chuyên gia, hiện chưa rõ Hải quân Mỹ có năng lực thực hiện những sứ mệnh lớn ở Bắc Cực hay không. Hạm đội Mỹ chưa được trang bị đủ để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt trong lúc khu vực này chưa có các cảng biển thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Hải quân Mỹ không có tàu phá băng, còn Nga có một hạm đội gồm 50 tàu chiến, bao gồm 6 tàu được trang bị đặc biệt để đi lại và chiến đấu ở vùng biển Bắc Cực. Hải quân Trung Quốc cũng có 6 tàu như thế.
Bình luận (0)