Theo hãng tin RIA Novosti, Nga cảnh báo có thể "gây tổn thương" cho phương Tây bằng cách nhắm vào "những khu vực nhạy cảm nhất".
"Phản ứng của Nga sẽ nhanh chóng, đầy đủ và nhạy cảm" - giám đốc bộ phận hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky nói.
Trước đó, ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và năng lượng của Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Nga cho biết giá dầu có thể lên tới hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô từ nước này.
Châu Âu tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn dầu mỗi năm. Nga cung cấp khoảng 30% trong số đó, tương đương 150 triệu tấn, cùng với 80 triệu tấn sản phẩm hóa dầu.
Một tòa nhà bị hư hại ở thủ đô Kiev sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, ngày 25-2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Vladimir Putin cho biết "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine" là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga sau khi NATO mở rộng về phía biên giới Nga và Mỹ hỗ trợ các nhà lãnh đạo ủng hộ phương Tây ở Kiev.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 9-3 lưu ý Moscow sẽ đạt được mục tiêu đảm bảo tình trạng trung lập của Kiev và không nhằm mục đích lật đổ chính phủ Ukraine. Bà Zakharova hy vọng sẽ đạt được tiến bộ đáng kể trong vòng đàm phán kế tiếp với Ukraine.
Đồng thời, bà Zakharova khẳng định Nga chưa bao giờ đe dọa NATO mà chỉ yêu cầu tôn trọng lợi ích an ninh hợp pháp của mình. Bà Zakharova cho rằng việc NATO tập trung lực lượng ở sườn phía Đông - tại Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Bulgaria - là hành động khiêu khích, không nhằm mục đích tăng cường an ninh của châu Âu. Thay vào đó, NATO muốn "ngăn chặn Nga".
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã kêu gọi các bên kiềm chế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ làm nền kinh tế thế giới bị chậm lại.
Bình luận (0)