Đó là cảnh báo của giới chức Nga hôm 7-3, trong bối cảnh vòng đàm phán thứ ba giữa Moscow - Kiev không có bước tiến đáng kể.
Tiếng súng vẫn vang lên tại nhiều nơi trên khắp Ukraine khi cuộc xung đột đã bước sang ngày thứ 13. Mỹ và các đồng minh châu Âu muốn gây thêm sức ép lên Tổng thống Vladimir Putin bằng việc cân nhắc áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
"Lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu" - Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết và nhận định điều này có thể khiến giá dầu thế giới tăng hơn gấp đôi lên 300 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và người đồng cấp Ukraine Kuleba đã đồng ý gặp nhau vào thứ Năm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu vốn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga. Đơn cử như Đức, vốn phụ thuộc khoảng 55% tổng nguồn cung khí đốt từ Nga. Do đó, châu Âu có thể sẵn sàng tung loạt đòn trừng phạt kinh tế Nga song dè dặt trong quyết định cấm nhập khẩu dầu từ nước này.
"Châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga" - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm 7-3, nhấn mạnh đây là việc cần thiết cho an ninh năng lượng của lục địa này.
"Nhưng ngay cả khi các đồng minh châu Âu không ủng hộ, Tổng thống Biden vẫn sẵn sàng áp cấm nhập khẩu dầu từ Moscow" - hãng thông tấn Reuters bình luận.
Liên quan đến việc tháo gỡ xung đột đang diễn ra tại quốc gia 44 triệu dân, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hai người đồng cấp Nga và Ukraine đã đồng ý đối thoại vào ngày 10-3 tới.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba sẽ diễn bên lề một diễn đàn ngoại giao quốc tế ở Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hy vọng cuộc gặp gỡ này sẽ mang đến hòa bình và ổn định cho các bên" - ông Cavusoglu viết trên Twitter hôm 7-3.
Bình luận (0)