Ông Lavrov nói: "Đáng tiếc là lời khuyên của chúng ta không phải lúc nào cũng được ông Assad hiện thực hóa bằng hành động và còn lâu mới đúng lúc. Đúng là ông ta đã thông qua các đạo luật có ích nhằm đổi mới hệ thống chính trị, chuyển từ độc đảng sang đa đảng, nhưng thực hiện quá chậm trễ. Khởi động đối thoại cũng chậm, khiến cho lực lượng vũ trang chống đối có cơ hội phát triển và hậu quả là có thể nhấn chìm tất cả mọi người".
Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại Duma quốc gia Nga ngày 14-3. Ảnh: AP
Đây là bình luận hiếm hoi của Nga thể hiện sự thất vọng công khai đối với tổng thống Syria, nhưng vẫn không hề cho thấy bất cứ dấu hiệu thay đổi chính sách nào đối với Damascus.
Ông Lavrov khẳng định Nga vẫn sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết khủng hoảng tại Syria, đồng thời thừa nhận Moscow có ảnh hưởng tới chính quyền Damascus. Ông còn nói Nga đang cung cấp vũ khí cho Syria để ngăn chặn các nguy cơ từ bên ngoài chứ không phải để trấn áp người biểu tình. Tuy vậy, Moscow không có ý định sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ Tổng thống Assad.
Trong ngày 14-3, phái viên của Liên Hiệp Quốc – Liên đoàn Ả Rập (AL) Kofi Annan vẫn chưa đưa ra tuyên bố gì về phản hồi của Syria đối với các đề xuất giải quyết khủng hoảng của ông. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết hồi đáp của Damascus “không thể chấp nhận”, chủ yếu là do nó không đề cập đến yêu cầu của AL buộc Tổng thống Assad từ chức và chuyển giao quyền lực. “Phản hồi đó không tích cực cũng không có gì đáng để hy vọng” – một quan chức Mỹ bình luận.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, ba nhà hoạt động có tiếng Catherine al-Telli, Haitham al-Maleh và Kamal al-Labwani đã tuyên bố từ chức rút khỏi Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) đối lập do "bất đồng".
Cũng trong ngày 14-3, Ả Rập Saudi và Ý tuyên bố đóng cửa đại sứ quán tại Syria, đồng thời rút hết nhân viên về nước. Trước đó, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ cũng đã đóng cửa đại sứ quán tại Damascus.
Bình luận (0)