Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 20-8 cho thấy sản lượng dầu nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả nguồn cung được vận chuyển qua đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương cùng những chuyến hàng từ các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga, đạt 7,15 triệu tấn. Con số này tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung từ Nga trong tháng 7-2022 tương đương khoảng 1,68 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức kỷ lục gần 2 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga.
Các bồn chứa dầu và khí đốt tại cảng ở Chu Hải - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, sản lượng dầu nhập khẩu từ Ả Rập Saudi vào Trung Quốc đứng thứ 2 trong tháng 7-2022, với 6,56 triệu tấn (tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 3 năm qua hồi tháng 6). Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm đến nay, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã lên đến 48,45 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn từ Ả Rập Saudi, nơi cung cấp 49,84 triệu tấn, thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Trung Quốc mua nhiều dầu của Nga đã khiến lượng dầu nhập từ Angola giảm 27% và từ Brazil giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng Cục Hải quan cũng cho biết Trung Quốc không nhập khẩu dầu từ Venezuela và Iran vào tháng trước.
Trong khi đó, sản lượng than nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc trong tháng 7-2022 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao nhất trong ít nhất 5 năm qua. Nguyên nhân là Trung Quốc mua được than giảm giá trong bối cảnh các nước phương Tây hạn chế hàng hóa của Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đã nhập khẩu 7,42 triệu tấn than từ Nga vào tháng trước. Đó là con số nhập khẩu than hằng tháng cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được so sánh vào năm 2017, tăng từ mức tương ứng 6,12 triệu tấn hồi tháng 6 và 6,49 triệu tấn trong tháng 7 năm ngoái.
Các nước phương Tây đang tránh vận chuyển hàng hóa từ Nga trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với than đá của Nga có hiệu lực vào ngày 11-8. Lệnh cấm này buộc Nga phải tìm những khách hàng khác như Trung Quốc và Ấn Độ với giá bán chiết khấu cao.
Bình luận (0)