Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin đặt lực lượng răn đe hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt.
Hạm đội Phương Bắc của Nga tuyên bố các tàu ngầm hạt nhân của họ đã tham gia cuộc tập trận ở biển Barents, mục đích là đào tạo khả năng cơ động trong điều kiện mưa bão. Một số tàu chiến được giao nhiệm vụ bảo vệ bán đảo Kola ở Tây Bắc nước Nga, nơi đặt các căn cứ hải quân, cũng tham gia cuộc tập trận.
Trong khi đó, tại vùng Irkutsk, phía Đông Siberia, các đơn vị thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (SMF) đã triển khai các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars trong các khu rừng tuyết.
Nga cho tàu ngầm hạt nhân tập trận sau cảnh báo răn đe hạt nhân. Ảnh minh họa: AP
Quyết định răn đe hạt nhân của ông Putin liên quan tới "bộ 3 hạt nhân Nga", bao gồm tàu ngầm hạt nhân trang bị ICBM, ICBM mang đầu đạn hạt nhân phóng từ đất liền và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược. Nó được đưa ra sau khi ông Putin lên án "những tuyên bố khiêu khích của NATO và lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Nga".
Mỹ cảnh báo động thái không cần thiết của ông Putin đã làm leo thang cuộc xung đột vốn nguy hiểm. Tuy nhiên, Washington chưa thay đổi mức độ cảnh báo hạt nhân cho đến nay.
Theo AP, Nga chủ yếu dựa vào các ICBM mang đầu đạn hạt nhân được đặt tại hầm phóng hoặc bệ phóng di động. Vì vậy, rất khó phát hiện và đánh giá nếu Moscow thay đổi tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân.
Liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhật báo Mainichi Shimbun đưa tin khoảng 70 công dân Nhật Bản đã hưởng ứng lời kêu gọi tình nguyện viên nước ngoài chiến đấu của chính quyền Kiev.
Theo đó, 70 người đàn ông Nhật Bản - bao gồm 50 cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và 2 cựu chiến binh - đã nộp đơn muốn chiến đấu cho Ukraine. Trước đó, Tokyo khuyến cáo công dân mình không tới Ukraine vì bất kỳ lý do nào.
Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 1-3 khẳng định nước ông sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, mục đích chính là "bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa từ phương Tây".
"Quân đội Nga không chiếm lãnh thổ của Ukraine và đang thực hiện tất cả biện pháp để đảm bảo tính mạng cũng như sự an toàn của dân thường. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự bằng vũ khí chính xác cao" - ông Shoigu nói.
Nga - Ukraine tổ chức đàm phán lần 2 tại Belarus?
Hãng tin TASS dẫn một nguồn tin cho biết Nga và Ukraine lên kế hoạch tổ chức đàm phán lần 2 tại một địa điểm trên biên giới Belarus - Ba Lan vào ngày 2-3 (giờ địa phương). Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng Kiev đang phân tích kết quả cuộc đàm phán lần 1 và sẵn sàng cho một vòng mới nếu cần thiết.
Người biểu tình Nhật Bản và Ukraine phản đối cuộc tấn công của Nga tại thủ đô Tokyo ngày 24-2. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)