Hôm 10-10, báo EurAsian Times (Ấn Độ) bình luận động thái nói trên của Mỹ cho thấy nước này "không chắc chắn về khả năng tàng hình của F-35 trước S-300 của Nga".
"Người Mỹ cố gắng chế tạo máy bay tàng hình nhưng thực tế có thể không như ý muốn. Không phải ngẫu nhiên mà Lầu Năm Góc đột ngột thông báo tiến hành các thử nghiệm bổ sung đối với F-35. Đây là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ Mỹ không tin vào năng lực của F-35 trước hệ thống phòng không S-300" – tờ báo viết.
Cũng theo EurAsian Times, Mỹ phát triển F-35 nhằm mục tiêu đánh bại S-300. Ngay sau khi Iran bắt đầu đàm phán với Nga về thỏa thuận mua S-300, Israel đã trả rất nhiều tiền cho Hy Lạp để được phép truy cập hệ thống S-300 và nghiên cứu chúng. Hy Lạp là một trong số nước được Nga chuyển giao hệ thống S-300.
Trong khi đó, người Mỹ cũng mua các bộ phận của hệ thống phòng không này thông qua Belarus.
Mỹ và Israel là những quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất sau khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria.
Lầu Năm Góc vừa quyết định tiến hành các thử nghiệm bổ sung đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ảnh: Sputnik
Tuy nhiên, EurAsian Times lưu ý hệ thống S-300 mà người Mỹ có được "phục vụ từ năm 1978" nên tồn tại những khác biệt lớn về công nghệ so với hiện tại.
Nhận xét về việc Nga cung cấp S-300 cho Syria, EurAsian Times viết rằng điều đó sẽ giúp "tăng cường hệ thống phòng không của Syria nhưng chỉ trong một khu vực vì Moscow chỉ chuyển giao 4 hệ thống tên lửa đất đối không cho Damascus".
Hệ thống S-300 mà Nga cung cấp cho Syria có khả năng phá hủy máy bay và tên lửa hành trình siêu âm ở khoảng cách lên đến 200 km.
Trong khi đó, lực lượng Không quân Israel đủ lớn và trang bị tốt để đối chọi với hệ thống S-300 của Syria mặc dù nguy cơ thất bại sẽ cao hơn nhiều.
Bộ trưởng Hợp tác khu vực Israel Tzachi Hanegbi đầu tháng này cho biết khả năng của S-300 từ lâu đã được thừa nhận trong kế hoạch chiến lược của Tel Aviv.
Israel dự kiến nhận được 50 chiếc F-35A từ Mỹ (sau khi nâng cấp sẽ đổi tên thành F-35I Adir). Hiện Israel đang có 8 máy bay loại này.
Trong lần triển khai chiến đấu đầu tiên ở Trung Đông, các chiến đấu cơ F-35 của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ, đã vượt quá sự kỳ vọng, đồng thời sẵn sàng hoạt động tại môi trường khắc nghiệt ở Trung Đông và Bắc Phi. Đó là thông tin được tướng Robert Neller, tư lệnh lực lượng này, công bố hôm 10-10.
F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Lầu Năm Góc, cũng là chương trình vũ khí quân sự đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bình luận (0)