"Nghĩ kinh tế Nga không bị ảnh hưởng là sai lầm. Những tác động tiêu cực có thể không được cảm nhận tức thì nhưng về lâu dài, các đợt trừng phạt sẽ làm hạn chế tiềm năng của Nga" – chuyên gia Christopher Granville của Ngân hàng TS Lombard (trụ sở London – Anh) khẳng định.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây bao gồm lệnh đóng băng tài sản nhằm vào nhiều ngân hàng, doanh nhân và dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trị giá 11 tỉ USD, bên cạnh lệnh hạn chế tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn.
Với 643 tỉ USD dự trữ ngoại tệ cùng doanh thu bùng nổ từ dầu khí, kinh tế Nga trước mắt sẽ không bị ảnh hưởng bởi các đợt trừng phạt bổ sung của phương Tây.
Theo chuyên gia Granville, giá dầu tăng cao sẽ mang lại cho Nga khoản thu thêm 17,2 tỉ USD trong năm nay từ thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị chặn sau khi Nga tấn công Ukraine. Ảnh: Reuters
Dù vậy, các biện pháp trừng phạt mới cũng đồng nghĩa nền kinh tế của Nga bị cô lập hơn nữa. "Về cơ bản, Nga sẽ bị đối xử như một quốc gia thù địch bị cắt đứt khỏi các dòng chảy thương mại, đầu tư và những hoạt động tương tác kinh tế bình thường khác nhằm xây dựng chất lượng sống, thu nhập, năng suất và lợi nhuận của các công ty" – ông Granville khẳng định.
Theo Reuters, những dấu hiệu về tình trạng dễ tổn thương kinh tế đã xuất hiện tại Nga. Thu nhập hộ gia đình Nga hiện vẫn thấp hơn các mức của năm 2014 và năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 khởi phát. Theo Ngân hàng Thế giới, sản lượng kinh tế hàng năm của Nga hiện đạt 1.660 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2.200 tỉ USD của năm 2013.
Chuyên gia Sergei Guriev của Viện nghiên cứu Chính trị Paris (Pháp) chỉ ra rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Nga từng gấp đôi của Trung Quốc vào năm 2013 nhưng hiện đã thấp hơn của Trung Quốc.
Giá dầu tăng cao có thể sẽ mang lại cho Nga khoản thu thêm 17,2 tỉ USD trong năm nay từ thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, nguồn đầu tư nước ngoài vào Nga cũng đang thu hẹp dần. Một cuộc khảo sát khách hàng của Công ty JPMorgan (Mỹ) cho thấy tỉ lệ nắm giữ trái phiếu bằng đồng rúp của người nước ngoài hiện ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ.
Theo ước tính của Quỹ Nghiên cứu Copley (New Zealand), đầu tư cổ phiếu chưa bao giờ quay trở lại mức trước năm 2014, thời điểm Nga bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea.
Các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn có thể sẽ bao gồm việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm đầu tư hoàn toàn vào Nga.
Giới chuyên gia khẳng định những đợt trừng phạt của phương Tây theo thời gian có thể bào mòn hệ thống phòng thủ tài chính của Nga.
Bình luận (0)