Theo báo cáo dự kiến trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào đầu năm 2015, diện tích nước Nga có thể mở rộng thêm 1,2 triệu km vuông.
Bộ trưởng Tài nguyên và Sinh thái Nga Sergey Donskoy cho biết các cuộc khảo sát vùng lãnh thổ mới trong vùng Bắc Băng Dương có thể đã hoàn thành.
Động thái bổ sung thềm lục địa của Nga sẽ giúp quốc gia này tăng lượng khí thiên nhiên thêm 5 tỉ tấn và theo ông Donskoy, “đó là con số ước tính khiêm tốn, thực tế còn cao hơn rất nhiều”.
Bộ trưởng Tài nguyên và Sinh thái Nga Sergey Donskoy. Ảnh: RIA Novosti
Trước đó, chuyến thám hiểm của các nhà khảo sát địa chất Nga nhằm mở rộng diện tích 350.000 km vuông ở Bắc Băng Dương được tiến hành vào ngày 10-7. Toàn bộ dữ liệu thu được sẽ làm thành báo cáo gửi cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của LHQ.
Các nhà khoa học Nga đã tiến hành đo đạc và nghiên cứu toàn diện nhằm phác thảo mô hình cơ sở địa chất và địa vật lý để đánh giá tiềm năng dầu khí của thềm lục địa bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nga.
Tuy nhiên, để được LHQ công nhận dải thềm lục địa mới, Moscow phải chứng minh lớp địa chất tiếp nối lớp vỏ lục địa cũ phải có cấu trúc tương đồng.
Theo thống kê, trong số 60 mỏ hydrocarbon lớn được phát hiện trên vành đai Bắc cực, có tới 43 mỏ thuộc thềm lục địa của Nga. Tổng cộng Moscow sở hữu 106 tỉ tấn dầu và 69,5 nghìn tỉ mét khối khí đốt chỉ riêng trên vành đai này.
Việc phát hiện ra khối lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ kể trên đã gây ra một cuộc tranh chấp giữa các quốc gia liên quan như Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ.
Hiện Bắc Cực có trữ lượng khí đốt tự nhiên chiếm 30 % toàn thế giới chưa được khai thác và dầu thô chiếm 15 % mới chỉ được khai thác phần ít.
Bình luận (0)