Đài Sputnik hôm 19-1 đưa tin Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) tuyên bố hiệu quả miễn dịch của phương pháp tiêm chủng EpiVacCorona do Nga phát triển đạt 100%.
EpiVacCorona là một loại vắc-xin Covid-19 do Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học nhà nước Vector (gọi tắt là Viện Vector) phát triển bên ngoài TP Novosibirsk – Nga.
Không giống như loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Nga là Sputnik V, vắc-xin vector dựa trên adenovirus, EpiVacCorona dựa trên peptit và nền tảng tổng hợp đầy hứa hẹn. Nó bao gồm các đoạn protein của virus ngắn được tổng hợp nhân tạo, qua đó giúp hệ thống miễn dịch học cách nhận biết và vô hiệu hóa virus.
Một cơ quan giám sát của Nga cho biết vắc-xin Covid-19 mang tên EpiVacCorona “đạt hiệu quả miễn dịch lên tới 100%”. Ảnh: Rospotrebnadzor
"Tôi phải nói rằng vắc-xin (EpiVacCorona) không gây tác dụng phụ và mức độ an toàn cao" - Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái sau khi Viện Vector tiến hành thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên.
Hôm 14-10-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận "đứa con tinh thần" của Viện Vector đã chính thức được phê duyệt và đăng ký tại nước này.
Giám đốc Rospotrebnadzor Anna Popova khẳng định các tài liệu liên quan đến EpiVacCorona đã được trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 8-12-2020 và họ đang chờ quyết định của WHO.
Vắc-xin EpiVacCorona dự kiến được tung ra thị trường vào tháng 1-2021.
Một nhân viên của Sinovac tại nhà máy của công ty ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: AP
Trong khi đó, Brazil hôm 17-1 bắt đầu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tên gọi CoronaVac do nhà sản xuất Trung Quốc Sinovac phát triển sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp. Đây là loại vắc-xin Covid-19 duy nhất tại Brazil cho đến thời điểm này do quá trình vận chuyển vắc-xin của Công ty dược phẩm AstraZeneca (Anh) bị chậm trễ.
Theo 1 tờ báo Trung Quốc, khi một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn trong việc triển khai vắc-xin Covid-19 bởi vắc-xin của Pfizer/BioNTech bị trì hoãn, nhiều quốc gia sở hữu vắc-xin do Trung Quốc phát triển đã tăng cường tiêm chủng hàng loạt nhờ nguồn cung cấp ổn định.
Bình luận (0)