Một ngày sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố hàng loạt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với một số lĩnh vực trong nền kinh tế Nga, Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng phản đối: “Đây là bước đi thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm. Chắc chắn nó sẽ làm giá cả năng lượng mà Moscow đang cung cấp sang thị trường châu Âu tăng lên”.
Bộ Ngoại giao Nga còn chỉ trích EU “không có khả năng đóng vai trò độc lập trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế”, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng châu Âu sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng nếu EU bổ sung các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực vũ khí và năng lượng của Nga.
Bên cạnh đó, Moscow cho rằng Washington sẽ chỉ nhận lại phiền phức và “hậu quả rõ ràng” nếu tiếp tục chèn ép Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các biện pháp trừng phạt mới đi ngược lại quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gây ảnh hưởng xấu tới các ngân hàng thuộc EU đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.
Ngày 30-7, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên án Nga gây bất ổn tình hình tại Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng hơn nếu không thay đổi chính sách đối với Kiev.
Trong một tuyên bố chung được Nhà Trắng công bố, các lãnh đạo G7 nói: "Chúng tôi một lần nữa lên án việc Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea và có những hàng động gây bất ổn tại miền Đông Ukraine. Những hành động đó không thể chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng lên án việc chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ làm 298 người vô tội bị thiệt mạng, đồng thời yêu cầu nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra quốc tế minh bạch, đầy đủ và không bị cản trở... Nga vẫn còn cơ hội để chọn con đường giảm căng thẳng, qua đó giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Nếu không, chúng tôi sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt".
Cùng ngày, EU áp đặt thêm lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với 8 người Nga, trong đó có một số phụ tá thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, gồm: Yuriy Valentinovich Kovalchuk, chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của ngân hàng Rossiya chuyên phục vụ cho các quan chức cấp cao của Nga; Nicolay Terentievich Shamalov, cổ đông lớn thứ hai của Rossiya; và Arkady Rotenberg, bạn tập judo lâu năm của ông Putin.
Đáp lại, Nga cũng vừa cấm nhập khẩu các loại trái cây và rau quả từ Ba Lan vì lý do vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Ba Lan khẳng định động thái của Nga thuộc về động cơ chính trị, có liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới.
Bộ Ngoại gia Nga lạc quan cho biết Moscow sẽ sớm vượt qua những khó khăn về kinh tế và nhấn mạnh EU sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực không kém gì Nga.
Hôm 29-7, Mỹ và EU tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng. Ngoài ra còn có lệnh cấm vận vũ khí, hạn chế mua bán công nghệ nhạy cảm cũng như xuất khẩu thiết bị cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo Washington sẽ cắt đứt giao dịch với 3 ngân hàng của Moscow, gồm VTB Bank OAO, Bank of Moscow (Ngân hàng Moscow) và Russian Agricultural Bank (Ngân hàng Nông nghiệp Nga).
Trước đó, các cường quốc phương Tây cáo buộc Nga đứng sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Mỹ và EU có động thái siết chặt lệnh trừng phạt sau khi chiếc máy bay MH17 của Malaysia “bị bắn rơi” ở khu vực Donetsk hôm 17-7, nhiều khả năng do phiến quân ly khai thân Nga thực hiện với sự hậu thuẫn của Moscow.
Bình luận (0)