Đi cùng tàu Đô đốc Gorshkov còn có tàu hậu cần đa chức năng Elbrus, tàu chở dầu Kama và tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker. Tuyên bố của Hạm đội phương Bắc (Nga) đầu tuần này cho biết nhóm tàu sẽ cập cảng một số đảo quốc tại khu vực nhưng không nói rõ điểm đến.
Đoàn tàu chiến Nga nói trên đã đi một chặng đường dài kể từ khi rời căn cứ ở thị trấn Severomorsk hồi tháng 2-2019. Các chặng dừng chân đáng chú ý cho đến giờ là Djibouti, Sri Lanka, Trung Quốc, Ecuador...
Một nguồn tin giấu tên cho hãng tin Interfax biết tàu Đô đốc Gorshkov sẽ ghé Cuba sau khi thực hiện một số nhiệm vụ ở vùng Caribbean.
Tàu Đô đốc Gorshkov. Ảnh: TASS
Tàu Đô đốc Gorshkov tại Tây Thái Bình Dương hồi tháng 5-2019. Ảnh: Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản
Những điểm đến sắp tới của nhóm tàu Nga có thể khiến Mỹ thấy khó chịu, nhất là trong trường hợp tàu này cập cảng ở Venezuela, một quốc gia tại khu vực lâu nay được xem là "sân sau" của Washington.
Nga và Mỹ đang ủng hộ các bên đối đầu nhau tại quốc gia Nam Mỹ này thời gian qua. Nga hiện vẫn hậu thuẫn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong khi Mỹ ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kể từ tháng 1-2019.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela vẫn tiếp diễn nhưng không còn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Dù vậy, nếu tàu Đô đốc Gorshkov ghé Venezuela, Mỹ chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh, đe dọa dẫn đến sự bùng phát căng thẳng mới tại khu vực.
Tàu Đô đốc Gorshkov (trong vòng tròn đỏ) đi qua kênh đào Panama hôm 17-6. Ảnh: Twitter
Tàu Elbrus. Ảnh: Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản
Washington từng chỉ trích mạnh mẽ việc triển khai quân sự của Nga đến Venezuela, như lần Moscow đưa 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack hồi tháng 12-2018.
Mỹ giờ đây còn có thêm lý do để lo ngại khi tàu Đô đốc Gorshkov là một trong những tàu chiến tiên tiến nhất của Hải quân Nga. Đây là con tàu đầu tiên trang bị hệ thống phòng không Poliment-Redut, có thể mang theo tên lửa hành trình Kalibr tấn công mục tiêu trên đất liền và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Oniks.
Moscow hiện có kế hoạch bổ sung siêu tên lửa chống hạm Zircon cho tàu trong thời gian tới.
Sự hiện diện của nhóm tàu Đô đốc Gorshkov được xem là một phần nỗ lực của Moscow nhằm tăng cường hiện diện ngay tại "sâu sau" của Mỹ giữa lúc quan hệ Nga và phương Tây căng thẳng.
Tàu Nikolay Chiker. Ảnh: Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản
Dĩ nhiên, tàu Đô đốc Gorshkov không phải là tàu hải quân Nga đầu tiên đến Cuba trong những năm gần đây. Hồi năm 2016, một tàu khu trục lớp Neustrashimyy có tên Yaroslav Mudry đã ghé thăm Havana. Tàu do thám Viktor Leonov (lớp Vishnya-class) cũng là "khách" quen thuộc của Cuba.
Dù vậy, việc Nga đưa tàu đầu tiên và duy nhất cho đến giờ của Dự án 22350 (tàu Đô đốc Gorshkov) đến "sân sau" của Mỹ cho thấy Moscow không chỉ quan tâm đến khu vực này mà còn muốn giới thiệu năng lực của hải quân mình.
Chuyến đi trên diễn ra giữa lúc quân đội Mỹ đối mặt lời kêu gọi chú ý đến chuyện Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Tây Bán cầu trong những năm qua. Đáp lại, Hải quân Mỹ gần đây tái lập Hạm đội 2 để giúp trông coi tốt hơn vùng biển dọc Bờ Đông của Mỹ, tại Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.
Trong khi đó, Hạm đội 4 chịu trách nhiệm vùng Carribean và Nam Đại Tây Dương.
Bình luận (0)