Động thái của chính quyền Vilnius được mô tả là “chưa từng có” đối với Moscow. Bộ Ngoại giao Nga hôm 20-6 cho biết Vilnius phải đảo ngược động thái “thù địch công khai”.
“Nếu quá trình vận chuyển hàng hóa giữa khu vực Kaliningrad và phần còn lại của Liên bang Nga qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn trong tương lai gần, thì Nga có quyền thực hiện các hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình” - Bộ Ngoại giao Nga thông báo.
Kaliningrad nằm giữa hai thành viên Liên minh châu âu (EU) và NATO là Ba Lan và Lithuania. Vùng lãnh thổ hải ngoại này nhận nguồn cung từ Nga thông qua đường sắt và đường ống dẫn khí đốt qua Lithuania.
Một nhân viên hải quan tại cảng Baltiysk thuộc vùng Kaliningrad của Nga. Ảnh: Reuters
Những tuyên bố của Nga đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Brussels. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết Lithuania chỉ đơn giản là thực thi chế độ trừng phạt của khối. Tuy nhiên, ông Borrell nói thêm rằng ông lo ngại về nguy cơ trả đũa và sẽ kiểm tra xem tất cả các quy tắc có được tuân thủ hay không.
Ông Borrell nói: "Tôi luôn lo lắng về sự trả đũa của Nga. Không có phong tỏa. Quá cảnh đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga không bị cấm. Thứ hai, việc quá cảnh người và hàng hóa không bị cấm vẫn tiếp diễn. Thứ 3, Lithuania đã không thực hiện bất kỳ hạn chế quốc gia đơn phương nào. Chúng tôi đang trong trạng thái đề phòng. Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ các khía cạnh pháp lý để xác minh rằng chúng tôi hoàn toàn tuân thủ mọi quy tắc".
Cuối tuần qua, các nhà chức trách trong khu vực cho rằng Lithuania đang chuẩn bị đóng các đường sắt và đường ống dẫn khí đốt đến Nga.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, hôm 20-6 khi doạ đáp trả những gì ông cho là "động thái bất hợp pháp". Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Quyết định này thực sự là chưa từng có. Đó là hành động vi phạm. Chúng tôi coi điều này là bất hợp pháp. Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều… Chúng tôi cần phân tích sâu nghiêm túc để đưa ra phản ứng".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết nước này chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt do EU áp đặt vì Lithuania là thành viên của khối. Ông cho biết các biện pháp được thực hiện sau khi tham vấn với Ủy ban châu Âu và theo hướng dẫn của cơ quan này. Hàng hóa trong danh sách trừng phạt bao gồm thép nhưng được mở rộng ra các mặt hàng từ than đá đến đồ uống có cồn.
Trong khi đó, Hội đồng châu Âu hôm 20-6 quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt do EU đưa ra nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea và TP Sevastopol đến ngày 23-6-2023 .
Các biện pháp hạn chế nói trên được áp dụng từ tháng 6-2014. Chúng bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Crimea hoặc Sevastopol và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc tài chính và dịch vụ du lịch từ Crimea hoặc Sevastopol.
Bình luận (0)