Các biện pháp hạn chế sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 31-12-2020.
Hồi tháng 8-2014, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại mặt hàng nông sản, nguyên liệu và nông sản từ các nước đang tiến hành lệnh trừng phạt chống Nga.
Đó là Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Canada, Úc và Na Uy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Các loại sản phẩm được đưa vào lệnh cấm lúc đó là: thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, hải sản, phô mai, sữa, các sản phẩm sữa khác, rau, trái cây và một số sản phẩm khác.
Từ ngày 13-8-2015, Albania, Montenegro, Iceland, Liechtenstein đã được bổ sung vào danh sách các quốc gia bị cấm nhập khẩu sản phẩm vào Nga và từ ngày 1-1-2016 có thêm Ukraine.
Điện Kremlin gọi việc bảo vệ thị trường là một trong những mục tiêu chính của các biện pháp chống trừng phạt. Song song đó, Nga thực hiện một chính sách để thay thế nhập khẩu.
Chính quyền Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận thực phẩm như vậy là cực kỳ hữu ích để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
Theo nhận định của Điện Kremlin, lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ làm cho Nga có lợi. Trong cuộc trò chuyện với người dân trên "Đường dây trực tiếp" vào ngày 21-6 vừa qua, Tổng thống Putin nói rằng lệnh trừng phạt đã cho phép Nga củng cố và huy động nền kinh tế trong nhiều lĩnh vực.
Ông trích dẫn dữ liệu sau đây: Trong những năm bị trừng phạt, Liên bang Nga bị thiệt hại khoảng 50 tỉ USD, EU - 240 tỉ USD, Nhật Bản - 27 tỉ USD và Mỹ - 17 tỉ USD.
Tổng thống Putin nói rằng các nước này không chỉ mất thị trường Nga mà còn mất việc làm.
Bình luận (0)