Lãnh đạo các nước khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến họp khẩn vào ngày mai, 22-6, để giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp, sau khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone hôm 18-6 thất bại.
“Tình hình ở Hy Lạp đang nguy cấp” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định, đồng thời nhấn mạnh hội nghị khẩn cấp sắp diễn ra nhằm bảo đảm người châu Âu hiểu lập trường và hậu quả các quyết định của họ. Theo đài BBC, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Hy Lạp và các chủ nợ phải đạt được thỏa thuận trước cuộc họp khẩn này, nếu không, hội nghị sẽ không thể đưa ra quyết sách nào.
Trái lại, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cho rằng việc hội nghị không đạt được thỏa thuận sẽ khởi đầu tiến trình phá sản, sau đó là rời khỏi Eurozone và Liên minh châu Âu (EU) của Hy Lạp. Có lẽ vì lý do này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19-6 đã quyết định “bơm” tiền khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp nhưng không công bố số tiền cụ thể.
Trong khi đó, tình hình tại các ngân hàng Hy Lạp ngày càng xấu đi. Một quan chức EU giấu tên tiết lộ với hãng tin AP rằng gần 3 tỉ USD đã được rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp trong tuần này, khiến họ lo ngại sẽ không có đủ tiền mặt để mở cửa trong ngày 22-6.
Đài CNN đưa tin chính phủ của đảng cánh tả Syriza xác nhận đến ngày 30-6, Hy Lạp sẽ cạn tiền trừ khi các định chế tài chính quốc tế cung cấp thêm 7,2 tỉ euro. Như vậy, Hy Lạp chỉ còn 10 ngày để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ nếu muốn có tiền trả khoản vay 1,6 tỉ euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhân vật đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem, cho biết các cuộc đàm phán đạt rất ít tiến triển. Tuy nhiên, theo ông, Hy Lạp vẫn còn cơ hội đạt thỏa thuận nhằm gia hạn chương trình cứu trợ tài chính trước ngày 30-6. Cho đến nay, theo đài BBC, Ủy ban châu Âu (EC), IMF và ECB vẫn yêu cầu Hy Lạp chấp nhận các đề xuất tái cơ cấu và muốn nước này tiến hành hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế trước khi giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỉ euro.
Trong bối cảnh Hy Lạp đang rất vất vả để tránh bị phá sản vào cuối tháng 6 này, Thủ tướng Alexis Tsipras đã đến St. Petersburg - Nga tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19-6. Nhận định về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Hy Lạp, Tổng thống Putin thừa nhận: “Như Thủ tướng Tsipras nói, khủng hoảng không phải là của Hy Lạp mà là của châu Âu. Đó không phải là vấn đề của Hy Lạp mà là của các chủ nợ”.
Tổng thống Putin tái cam đoan rằng Hy Lạp là đối tác quan trọng của Nga ở châu Âu. Tuy vậy, theo báo Greek Reporter, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, phủ nhận 2 nhà lãnh đạo Nga và Hy Lạp đã thảo luận về kế hoạch cứu trợ tài chính ở St. Petersburg.
Báo Vzglyad cho biết sau khi gặp Tổng thống Putin, Thủ tướng Tsipras không trả lời câu hỏi của báo giới nhưng trông ông hài lòng và đã mỉm cười. “Hai nhà lãnh đạo đã quyết định trong thời gian sắp tới, các nhóm công tác sẽ nhóm họp để bàn chi tiết chuyện Hy Lạp cung cấp nông sản vào thị trường Nga” - ông Peskov tiết lộ.
Tạp chí Mỹ Foreign Policy nhận định Nga có thể ra tay cứu Hy Lạp và đó là tin xấu cho cả Mỹ lẫn NATO. Theo tạp chí này, Moscow đến giờ vẫn không can dự vào cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu nhưng thế khó của Athens có thể lôi kéo nước này “nhập cuộc”. Nếu điều này diễn ra, cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm nêu trên có thể trở thành một cuộc khủng hoảng địa chính trị.
Bình luận (0)