Thông tin được phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc họp báo tại Moscow hôm 5-4, theo đài RT của Nga.
"Không vội vàng" - phát ngôn viên Peskov nói với các phóng viên - "Đây là động thái theo từng giai đoạn, rất thận trọng, có tính đến thực tế kinh tế và tài chính hiện có trên thị trường toàn cầu. Chắc chắn không có chỗ cho những thay đổi đột ngột".
Theo ông Peskov, đây phải là "hoạt động hoàn toàn được suy tính kỹ lưỡng, từ từ và được hiệu chỉnh cẩn thận. Không thể hành động khác được".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31-3 ký sắc lệnh yêu cầu các nước "không thân thiện" phải thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp. Các hợp đồng sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng tiền tệ của Nga.
Các nước mà Nga cho là "không thân thiện" gồm Mỹ, các nước thành viên liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Tổng thống Putin cũng đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom của Nga, sau đó khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành rúp.
Tuy nhiên, các đối tác châu Âu không đồng ý thanh toán bằng rúp với lập luận rằng họ đã ký hợp đồng khí đốt với Nga, trong đó quy định thanh toán bằng euro hoặc USD.
Thực tế, sau ngày 1-4, dòng khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu. Điện Kremlin sau đó giải thích rằng quy định thanh toán bằng đồng rúp không áp dụng cho các hợp đồng đã ký mà có thể được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Bất chấp điều này, ba nước vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania hôm 2-4 tuyên bố họ đã không còn nhập khẩu khí đốt của Nga mà đang sử dụng nguồn cung khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia.
Bình luận (0)