Sau khi Iran tuyên bố bắn thử nghiệm tên lửa tầm xa có thể vươn tới Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, quân đội Nga lại trấn an rằng Iran hiện không có và trong tương lai cũng không có tên lửa chiến lược tầm xa, kể cả tầm trung. Đại tá Vadim Koval, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định: “Iran không có công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Theo hãng tin Newsru, với tuyên bố như vậy, Nga đã đẩy Iran rơi từ trên trời xuống đất.
Đại tá Koval quả quyết rằng Iran không có những tên lửa có khả năng ứng chiến ngay lập tức và nước này sẽ không thể mau chóng có được loại tên lửa đó. Ông cho biết: “Hiện nay, Iran không có công nghệ và tiềm năng công nghiệp về nghiên cứu và sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Theo ông, giả định rằng trong viễn cảnh xa xôi, Iran hình thành các hệ thống tên lửa quy mô tầm trung và tầm xa thì cũng không thể xem chúng thực sự có khả năng trực chiến và sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài ra, Moscow bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo quân sự Nga đang chăm chú theo dõi việc nghiên cứu các tổ hợp tên lửa chiến lược với những tên lửa đạn đạo liên lục địa ở nước ngoài nên nắm bắt rất rõ các thông tin liên quan. Hãng tin Newsru nhấn mạnh rằng tên lửa đối ngầm Qader mà Iran bắn thử nghiệm vừa qua đã được gọi nhầm là tên lửa đạn đạo tầm xa. Trên thực tế, đó là loại tên lửa hành trình có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách 200 km. Đối với những tên lửa tương tự, tầm bắn như vậy được gọi là tầm trung, thậm chí tầm ngắn, chứ không như người phát ngôn của hải quân Iran tuyên bố. Iran còn bắn tên lửa đất đối đất Nour có tầm hoạt động 200 km, giống như Qader.
Các cuộc thử nghiệm của Iran trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đã khiến nhiều quốc gia lo lắng. Họ lo ngại chương trình hạt nhân mà Iran tranh cãi với phương Tây mang tính chất quân sự. Mỹ, châu Âu và cả Israel đều quan ngại rằng sớm hay muộn Iran sẽ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, ông Bernard Valero, cho rằng Pháp xem việc Iran thử nghiệm tên lửa tầm xa là một tín hiệu xấu. Ông Valero tuyên bố: “Sự phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Iran khiến cộng đồng quốc tế cực kỳ lo ngại”.
Theo hãng tin RIA Novosti, Pháp ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe đoan chắc rằng Iran đang tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân và cương quyết áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Ông Juppe khẳng định: “Tôi cho rằng không còn nghi ngờ gì nữa về điều đó. Và đó là lý do Pháp muốn tăng cường trừng phạt Iran. Chúng tôi muốn rằng đến ngày 30-1, các nước châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp thể hiện quyết tâm chung”. Trước đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đã đề nghị ngưng mua dầu mỏ của Iran và đóng băng các tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran.
Iran dọa Mỹ Hãng tin Fars (Iran) dẫn lời Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Ayatollah Salehi nói rằng Tehran sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả nếu như tàu sân bay Mỹ quay trở lại eo biển Hormuz ở vùng Vịnh. Ông tuyên bố: “Tôi khuyên bảo và cảnh báo họ rằng nếu tàu sân bay của họ trở lại vùng Vịnh, chúng tôi sẽ không cảnh báo lần thứ hai. Đó là nguyên tắc của chúng tôi”. |
Bình luận (0)