Quân đội Nga hôm 17-8 tiến hành đợt không kích thứ 2 từ một căn cứ không quân gần TP Hamadan - Iran nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Cuộc không kích đầu tiên tiến hành một ngày trước đó được coi là bước ngoặt có thể thay đổi bàn cờ địa chính trị ở Trung Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Tehran cho quân đội nước ngoài tiến hành chiến dịch tại lãnh thổ mình từ Thế chiến thứ II, qua đó nêu bật mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa Iran và Nga.
Bước đi nhiều mục đích
Các máy bay ném bom Nga quá lớn nên không thể hoạt động tại căn cứ không quân được Moscow thiết lập ở Syria vào tháng 9-2015 mà phải xuất kích từ lãnh thổ Nga. Giờ đây, cất cánh từ Iran giúp chặng đường này rút ngắn được 1.600 km. Điểm khác biệt lớn nữa là máy bay sẽ có thể mang nhiều bom hơn, tấn công với tần suất nhiều hơn và phản ứng nhanh hơn khi cần, giúp ích cho lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang gặp khó tại TP Aleppo. Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, theo đó máy bay ném bom xuất phát từ Iran đã tiêu hủy một loạt mục tiêu có liên hệ đến IS và những nhóm đang hỗ trợ các tay súng nổi dậy chiến đấu ở Aleppo.
Với Nga, động thái trên cho phép nước này không chỉ tăng cường hỏa lực trong cuộc xung đột Syria mà còn phát đi tín hiệu quy mô chiến dịch không kích vẫn được duy trì trong thời gian tới. Quan trọng hơn, theo tờ The New York Times, việc Nga đặt máy bay ném bom gần Syria hơn còn hạn chế đáng kể các lựa chọn của Mỹ. Giờ đây, bất kỳ chiến dịch ném bom nào ở Syria của Washington cũng cần phải được điều phối với Moscow để tránh đụng độ trên không.
Bên cạnh việc gia tăng lợi thế trên chiến trường, giới phân tích cho rằng sự hợp tác Nga - Iran còn là một phần của kế hoạch mà Tổng thống Vladimir Putin theo đuổi, theo đó tập hợp một liên minh lớn hơn để chiến đấu ở Syria với Moscow đóng vai trò trung tâm. Trước đó không lâu, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có những động thái hòa giải sau khi quan hệ song phương đóng băng vài tháng. Mục đích xa hơn là củng cố hơn nữa trục Nga - Iran nhằm cản trở sự can dự của Mỹ vào Trung Đông, trong lúc mở rộng ảnh hưởng chính trị của Moscow tại khu vực đang hỗn loạn này.
“Nga giờ đây xem Iran là một đồng minh quan trọng tại khu vực và là nguồn thu ổn định cho các ngành công nghiệp trong nước. Tehran lại là một chế độ chống Mỹ mạnh mẽ tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các lợi ích của Washington” - ông Konstantin von Eggert, một nhà phân tích chính trị, bình luận trên kênh truyền hình Dozhd (Nga). Trong khi đó, ông Andrey V. Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định sự hợp tác mới cho phép Nga và Iran có thêm con bài mặc cả trong các cuộc thương thảo với phương Tây.
Sức ép lên Mỹ
Một loạt lý do như thế là quá đủ để Mỹ quan ngại về nước cờ “đáng tiếc” nhưng “không gây bất ngờ” của Nga tại Iran, theo nhận định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mark Toner hôm 16-8. Quan chức này cho biết Mỹ đang tìm hiểu liệu việc Nga sử dụng căn cứ ở Iran có vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay không. Theo ông Toner, nghị quyết được nói đến “cấm cung cấp, bán hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran mà không có sự đồng ý trước của Hội đồng Bảo an”. Dù vậy, ông không nói rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ xác định Nga hành động ngược lại Nghị quyết 2231.
Một vấn đề đáng quan tâm hơn là Washington sẽ làm gì trước thông điệp Moscow phát đi thông qua nước cờ trên: Nga có thể hâm nóng hơn nữa quan hệ với Iran nếu Mỹ không chịu bắt tay trong cuộc chiến chống IS. Theo một số chuyên gia, Nga đang tỏ ra mất kiên nhẫn khi chứng kiến cuộc thảo luận về vấn đề này rơi vào bế tắc thời gian qua, một phần vì Mỹ chưa hết hoài nghi ý định thật sự của Moscow tại Syria.
Trước mắt, ông Toner chỉ mới cho biết Washington vẫn đang đánh giá mức độ hợp tác giữa Moscow và Tehran nhưng điều này không nhất thiết ngăn Mỹ đạt thỏa thuận với Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Dù vậy, ông nhấn mạnh hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa lúc Moscow tiếp tục không kích lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria đang được Washington hỗ trợ.
Sức ép lên Mỹ còn gia tăng sau khi giới chức quân sự nước này tiết lộ khoảng 100.000 tay súng Shiite được sự hậu thuẫn của Iran đang chiến đấu chống IS tại Iraq. Đáng lo hơn là thông tin về sự hiện diện của tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bên ngoài TP Mosul trước thềm chiến dịch quân sự nhằm giải phóng thành phố này khỏi tay IS. Theo kênh Fox News, những diễn biến trên làm dấy lên lo ngại một khi IS bị đánh bại, sẽ có một lực lượng chống Mỹ khác thay thế, từ đó làm gia tăng bạo lực sắc tộc ở khu vực.
Bình luận (0)