Đạo luật này cho phép Moscow xác định và truy tố một tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hành vi “đe dọa Hiến pháp” hoặc an ninh quốc phòng của Nga.
Tổng công tố viên có thể cấm một tổ chức như trên hoạt động tại Nga sau khi tham khảo ý kiến Bộ Ngoại giao. Nếu tổ chức đó không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động, họ sẽ phải chịu các hình phạt dân sự hoặc hình sự. Cá nhân tham gia các tổ chức “gây rối” có thể đối mặt 6 năm tù giam hoặc đóng tiền phạt.
Đạo luật cũng nhắm mục tiêu vào công dân và tổ chức Nga “có liên quan” đến tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Những người ủng hộ cho rằng điều này giúp ngăn chặn các tổ chức đe dọa và phá hoại nhà nước Nga. Tuy nhiên, phe chỉ trích gọi đạo luật là một hành động đàn áp và hạn chế quyền tự do trong nước.
Bà Tanya Lokshina, Giám đốc phụ trách chương trình tại Nga của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết đạo luật mới có khả năng “gây thiệt hại nghiêm trọng tới công việc của nhóm tại Nga” và là mối lo ngại cho tất cả các tổ chức nước ngoài hoạt động tại đây. Tuy nhiên, bà tin rằng đạo luật không nhằm vào các tổ chức như HRW mà nhằm vào những công dân Nga – bao gồm các nhà hoạt động và các tổ chức độc lập – những người có thể hợp tác hoặc hỗ trợ các tổ chức quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đều lên tiếng phản đối đạo luật vì nó đe dọa quyền tự do cơ bản của tổ chức nước ngoài hoạt động tại Nga cũng như công dân nước này. “Chúng tôi lo ngại đạo luật là biểu hiện cho sự trấn áp ngày càng tăng của Chính phủ Nga và từng bước cô lập người dân Nga khỏi thế giới bên ngoài” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhận định.
Liên minh châu Âu cũng gọi việc ban hành đạo luật trên là bước đi "đáng lo ngại".
Bình luận (0)