Bản thân từng là một nhân viên tình báo, ông Putin đã học được trong chiến tranh lạnh cách sử dụng thông tin và tuyên truyền để khai thác các điểm yếu của phương Tây.
Tờ Wall Street Journal nhận định: Ngay bản thân ông Putin cũng phải kinh ngạc khi thấy mình đạt được mục tiêu gieo rắc bất hòa trong hệ thống chính trị Mỹ.
Bây giờ các đặc vụ Nga có thể ngồi lại và xem những nỗ lực của họ đang mang lại kết quả khi các lực lượng ủng hộ và phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump chia rẽ vì nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ tọa cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ở Moscow hôm 27-12. Ảnh: REUTERS
Bà Fiona Hill, một chuyên gia hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã tóm tắt thành công của Nga trên mặt trận này một cách ngắn gọn: "Đất nước chúng ta đang bị xé nát. Sự thật bị ngờ vực".
Ông Putin tỏ ra rất tự tin vào thành công của mình trên mặt trận này đến nỗi ông thực sự công khai thích thú về điều đó. "Cảm ơn Chúa, không ai buộc tội chúng ta can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ nữa; bây giờ họ đang buộc tội Ukraine" - ông nói tại một hội nghị ở Moscow hồi tháng 11 năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka - Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, hệ thống chính trị của Anh đang bị xé nát theo kiểu cách tương tự bởi một cuộc tranh luận về mức độ thông tin sai lệch của Nga được tung ra với nỗ lực thuyết phục công dân Anh bỏ phiếu đồng ý để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) vào năm 2016.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, một người ủng hộ Brexit, từ chối công bố bản báo cáo nhạy cảm của ủy ban tình báo Quốc hội Anh về nghi vấn Nga can thiệp vào nỗ lực Brexit.
Bất kể Nga có thực sự tác động đến cuộc bỏ phiếu Brexit hay không, thực tế là, 3 năm sau, Anh dường như đang trên đường rời khỏi EU theo cách lộn xộn nhất, tai hại nhất có thể. Cũng theo tờ Wall Street Journal, điều gì xấu cho sự thống nhất về kinh tế và chính trị của châu Âu là tốt cho Nga, nên ông Putin có thể đặt tình trạng hỗn độn Brexit đang tiếp diễn là một đề mục lớn ở mặt tích cực trong cuốn sổ ghi chép năm 2019 của mình.
Trong khi đó, các thành viên quan trọng nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lao vào cuộc tranh luận về chức năng và tương lai của liên minh 70 tuổi này, vốn được thành lập để ngăn chặn Liên Xô.
Tổng thống Vladimir Putin gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị G20. Ảnh: ANADOLU
Nói thẳng những gì các nhà lãnh đạo NATO khác không muốn nói, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích ông Trump vì quyết định rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria và mở đường cho cả ông Putin lẫn ông Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, có vai trò to lớn hơn ở Syria.
Trên thực tế, ông Macron nói NATO bị "chết não" và đặt dấu hỏi về giá trị pháp lý hiện tại của các cam kết phòng thủ tập thể của liên minh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối hành vi "vạch áo cho người xem lưng" của nhà lãnh đạo Pháp.
Điểm mấu chốt là quan điểm của các thành viên NATO Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ không hoàn toàn đồng bộ với nhau.
Theo quan điểm của ông Putin, sự bất hòa trong liên minh quân sự chính của phương Tây này là tin tốt lành hạng nhất.
Đồng thời, hệ quả từ sự rút lui của người Mỹ ở Syria là Tổng thống Putin trở thành nhân vật đảm đương các vấn đề Trung Đông.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở TP Sochi - Nga hôm 17-5-2019.
Trên thực tế, đối với ông Putin, tình hình ở Syria đã diễn biến cực kỳ tuyệt vời: Lính Mỹ và đồng minh người Kurd của họ đã thực hiện phần việc lớn nhất triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và vương quốc của nó ở đó. Giờ đây, Washington về cơ bản đã nhượng lại sự giám sát Syria cho Moscow và cho phép xóa sổ hoặc gạt sang một bên đồng minh người Kurd.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người thụ ủy đáng tin cậy nhất của Nga trong khu vực, hiện có vẻ yên tâm ở vị trí của mình và chắc chắn "sống sót" trong cuộc nội chiến ở đất nước mình.
Đảm nhận cương vị nổi bật mới ở Syria, ông Putin khiến cho giới lãnh đạo đa dạng ở Trung Đông - Ả Rập Saudi, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - phải thán phục và học hỏi.
Bình luận (0)