Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov quyết định không dự họp báo chung sau cuộc hội đàm 40 phút căng thẳng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OSCE).
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken lặp lại lời cảnh báo của Mỹ về những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành động khiêu khích quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.
Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, ông và người đồng cấp Lavrov sẽ báo cáo chi tiết cuộc họp cho Tổng thống Biden và Tổng thống Putin để hai nhà lãnh đạo có thể hội đàm trực tiếp trong tương lai gần.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov không tổ chức họp báo chung sau cuộc gặp hôm 2-12 ở Stockholm - Thụy ĐiểnẢnh: REUTERS
Về phần mình, Bộ trưởng Lavrov tuyên bố mặc dù "không muốn bất cứ xung đột nào" với NATO về Ukraine, Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Nhấn mạnh sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO về phía Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích an ninh cốt lõi của Nga, Bộ trưởng Lavrov cảnh báo về những biện pháp đáp trả để cân bằng quân sự và chiến lược.
"Cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang được đưa đến gần biên giới Nga ở Romania và Ba Lan một cách vô trách nhiệm, triển khai một hệ thống phòng không có thể được sử dụng như một tổ hợp tấn công" - Bộ trưởng Lavrov khẳng định, đồng thời cáo buộc Mỹ và NATO gây ra nguy cơ xung đột quân sự thảm khốc ở châu Âu.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba về "cam kết vững chắc của NATO đối với an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley hôm 2-12 cho biết Washington đang theo dõi sát hoạt động quân sự của Moscow gần Ukraine. Mỹ và NATO cho rằng Nga đang gia tăng số lượng lớn binh sĩ gần biên giới Ukraine. "Chúng tôi đang theo dõi mọi động thái của họ. Có đủ tín hiệu cảnh báo để khiến chúng tôi lo ngại" - tướng Milley nói với Reuters.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss thể hiện quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang trên khắp châu Âu. Tái khẳng định sự ủng hộ của Anh đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, Bộ trưởng Truss hối thúc Moscow xuống thang căng thẳng.
Điện Kremlin thời gian qua liên tục phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch tấn công Ukraine và xem sự ủng hộ của NATO dành cho quốc gia này là mối đe dọa ở biên giới phía Tây của Nga. Giới chức Mỹ tiết lộ với đài CNN rằng kế hoạch xúc tiến đối thoại giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin vẫn chưa được hoàn thiện song hai bên đang nỗ lực để tạo điều kiện cho hai nhà lãnh đạo điện đàm.
Tổng thống Biden tuần trước khẳng định ông muốn sớm đối thoại với Tổng thống Putin về tình hình biên giới Ukraine, bởi đây là giải pháp tốt nhất để tránh xung đột Washington - Moscow. Bộ Ngoại giao Nga hôm 2-12 cũng hy vọng Tổng thống Putin và Tổng thống Biden có thể đàm phán trực tiếp trong vài ngày tới.
Theo báo The Guardian, trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Biden (nếu có), Tổng thống Putin sẽ yêu cầu NATO hạn chế sự ủng hộ dành cho Ukraine - quốc gia không phải là thành viên của khối này.
Bình luận (0)