Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm 22-1 cho biết Mỹ hiểu những nỗi lo an ninh hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết làm việc với đồng minh NATO này.
Dù vậy, bà Sanders cảnh báo chiến dịch đang phá vỡ sự yên tĩnh tương đối của vùng Afrin và sự bất ổn này có thể bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới Al-Qaeda lợi dụng để hoạt động trở lại.
Tờ The New York Times nhận định diễn biến ở Afrin đánh dấu một giai đoạn nguy hiểm trong quan hệ giữa 2 đồng minh NATO với xung đột lợi ích lan sang chiến trường.
Cục diện này cũng phần nào cho thấy Washington đang bị đẩy vào thế khó trong việc làm sao vừa duy trì quan hệ với các tay súng người Kurd - lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS thời gian qua ở Syria - trong lúc tránh làm Thổ Nhĩ Kỳ thêm bất mãn.
Binh sĩ, xe tăng và xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại biên giới với Syria hôm 23-1 Ảnh: REUTERS
Ông Ali Soufan, Chủ tịch Công ty Tư vấn Soufan Group (Mỹ), nhận định Mỹ lâu nay vẫn nỗ lực duy trì sự cân bằng ở Syria nhưng khi chiến trường ngày càng bị thu hẹp (sau khi IS bị đánh bại), đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Theo ông Soufan, Mỹ hoặc phải giảm bớt sự ủng hộ dành cho lực lượng người Kurd - một hành động có thể bị xem là phản bội - nếu không có nguy cơ dính vào xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp với một đồng minh NATO.
Washington đang tìm cách ngăn bất kỳ kịch bản nào nói trên xảy ra thông qua những tuyên bố thận trọng. Tuy nhiên, có thể thấy Mỹ vẫn đang đứng bên ngoài hầu hết sự kiện ở Syria và để Nga lấp vào khoảng trống này.
Có nhận định cho rằng Ankara dường như đã được Moscow bật đèn xanh để tiến hành chiến dịch nói trên nhưng các quan chức Nga đã bác bỏ. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 22-1 nói nước ông và Nga đã đạt thỏa thuận về chiến dịch.
Ngay cả khi có sự đồng thuận này, theo trang Bloomberg, chiến sự mới tại Afrin cũng phủ bóng lên tuyên bố chiến thắng được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong chuyến thăm Syria chớp nhoáng vào tháng rồi.
Sau khi Moscow giúp Damascus giành lại phần lớn lãnh thổ, giai đoạn tiếp theo của kế hoạch là chuyển cuộc xung đột từ quân sự sang ngoại giao và hợp pháp hóa sự cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong lúc những nỗ lực này đang gặp rắc rồi, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột mà Nga đang nỗ lực chấm dứt.
Bình luận (0)