Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định nước này không sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại châu Âu, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ châu lục này đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
"Chúng tôi không sử dụng bất kỳ vũ khí nào. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của chiến tranh lạnh, Nga vẫn thường xuyên hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng và cung cấp khí đốt cho châu Âu" - ông Putin nhấn mạnh hôm 13-10.
Nhà lãnh đạo Nga cũng gọi cáo buộc Moscow đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu là "lời dối trá mang động cơ chính trị", đồng thời khẳng định nước này đang "mở rộng nguồn cung năng lượng sang châu Âu".
Những phát biểu trên được Tổng thống Putin đưa ra tại một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga tại Moscow. Theo đài CNBC, ông Putin cho rằng châu Âu đã không làm đủ trong việc bổ sung dự trữ khí đốt vào mùa hè.
Mặt khác, theo ông chủ Điện Kremlin, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu hiện nay là do hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo sụt giảm vào mùa hè và nguồn cung từ các đối tác khác bị cắt giảm, trong đó có Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga hôm 13-10 Ảnh: Reuters
Vào tuần rồi, Tổng thống Putin đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong động thái nhằm giúp ổn định giá cả. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích Moscow cố tình cung cấp khí đốt dưới mức nhu cầu thị trường nhằm gây ra cuộc khủng hoảng, từ đó nêu bật sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Nga.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng Nga hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để thúc ép Đức nhanh chóng bật đèn xanh để đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động, từ đó thúc đẩy nguồn cung từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic.
Dĩ nhiên là phe chỉ trích cho rằng dự án Nord Stream 2 chỉ càng làm gia tăng sự phụ thuộc nói trên, đồng thời khiến châu Âu bị suy yếu về an ninh năng lượng.
Nhu cầu năng lượng đã tăng mạnh khi nhiều nền kinh tế dần hồi phục từ đại dịch Covid-19, đẩy giá dầu, khí đốt và than đá lên mức cao.
Giá than đá ở Trung Quốc đang tăng cao kỷ lục giữa lúc các nhà máy nhiệt điện than vật lộn với việc cung cấp điện cho hộ gia đình và nhà máy. Theo Reuters, Trung Quốc đã phải tăng cường sản xuất và nhập khẩu than đá để hạ nhiệt tình hình.
Còn tại Mỹ, Nhà Trắng trong những ngày gần đây đã trao đổi với các nhà sản xuất dầu khí trong nước về chuyện giúp giảm giá nhiên liệu. Ngoài ra, theo Reuters, Nhà Trắng còn thảo luận với Ả Rập Saudi, thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), về vấn đề giá dầu leo thang.
Giá dầu thô tại Mỹ gần đây đạt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 7 năm sau khi liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài (còn gọi là OPEC+) quyết định không tăng sản lượng khai thác thêm. Tại sự kiện nói trên, ông Putin nhận định giá dầu thô tại Mỹ có thể tăng lên mức 100 USD/thùng nhưng nói thêm OPEC+ đang nỗ lực hết sức để bảo đảm thị trường bình ổn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn
Nhận lời mời của lãnh đạo và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu ghi hình tại Diễn đàn lần thứ IV "Tuần lễ Năng lượng Nga" được tổ chức tại Moscow từ ngày 13 đến 15-10. Diễn đàn năm nay với chủ đề "Năng lượng thế giới: Chuyển đổi để phát triển" thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu Nga và quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển ngành năng lượng; khuyến khích đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Liên bang Nga và các nước đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được các đại biểu tham dự diễn đàn đánh giá rất cao, thể hiện sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tăng cường hợp tác với Nga và các quốc gia nhằm phát triển ngành năng lượng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.
D.Ngọc
Bình luận (0)