Hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết về vụ việc xảy ra tại làng Przewodow gần biên giới Ba Lan - Ukraine này.
Phát biểu sau cuộc họp khẩn giữa một số nhà lãnh đạo đang dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali - Indonesia ngày 16-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ít có khả năng tên lửa trên được phóng từ Nga.
Tuy nhiên, ông Biden khẳng định nhiều nhà lãnh đạo tại cuộc họp ủng hộ Ba Lan điều tra vụ nổ để biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra và quyết định bước đi tiếp theo.
Trước mắt, hãng tin AP dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết kết quả điều tra ban đầu cho thấy tên lửa trên có thể do Ukraine phóng đi để đánh chặn tên lửa Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không xác nhận thông tin này mà chỉ cho biết đang tìm hiểu thêm.
Một số nhà lãnh đạo đang dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali - Indonesia họp khẩn ngày 16-11 sau vụ tên lửa “rơi trúng” lãnh thổ Ba Lan Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ông không có thông tin về vụ nổ ở Ba Lan. Theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh không tiến hành vụ không kích nào gần biên giới Ukraine - Ba Lan.
Cụ thể hơn, các mục tiêu Nga không kích ở Ukraine hôm 15-11 đều nằm cách biên giới Ba Lan ít nhất 35 km - theo hãng tin RIA. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tất cả thông tin từ truyền thông và giới chức Ba Lan về vụ tên lửa là "hành động khiêu khích có chủ đích nhằm làm leo thang căng thẳng".
Không dừng lại ở đó, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky ngày 16-11 nhận xét vụ việc là âm mưu kích động đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.
Do là thành viên NATO, Ba Lan được bảo vệ bởi cam kết phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiệp ước NATO. Theo điều khoản này, một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO ở châu Âu hay Bắc Mỹ sẽ bị xem là một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ NATO.
Điều 5 cũng quy định mỗi thành viên NATO phải đáp trả tương xứng nếu thấy cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, giới chức Ba Lan cho biết nước này có thể yêu cầu một cuộc họp của NATO dựa trên Điều 4 Hiệp ước NATO. Theo tờ The Washington Post, Điều 4 cho phép các thành viên nêu những nỗi lo, nhất là về an ninh, để cả liên minh nhóm họp ở Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), cơ quan ra quyết định chính trị của NATO.
Động thái này sẽ tạo điều kiện để các thành viên tập trung tham vấn, trao đổi quan điểm và thông tin, từ đó đề ra những bước đi tiếp theo. Các nước thành viên không bắt buộc hành động khi Điều 4 được kích hoạt.
Gần đây nhất, Latvia, Litva, Ba Lan, Bulgaria, Czech, Romania và Slovakia đã sử dụng điều khoản trên để tổ chức các cuộc họp liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bình luận (0)