Cách đó 1 ngày, trang tin Ynet News của Israel dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Nga gửi một “lực lượng viễn chinh” tới Syria để thiết lập căn cứ không quân gần thủ đô Damascus.
Báo cáo nói thêm rằng hàng ngàn nhân viên quân sự Nga bao gồm nhân viên tư vấn, hậu cần, kỹ thuật, phòng không, hướng dẫn viên và phi công tới Syria nhằm thực hiện sứ mệnh chống IS và các nhóm phiến quân nổi dậy tại đây.
Đài RT sau đó dẫn nguồn tin quân sự bác bỏ thông tin nói trên. Khi liên lạc với tác giả bản báo cáo, Alex Fishman của trang Ynet News, RT nhận được câu trả lời như sau: “Tôi không tiết lộ nguồn tin của mình. Tôi không đăng tải điều gì mà không có nguồn tin chính xác. Tôi đã làm việc 40 năm trong lĩnh vực quân sự. Vì vậy, bạn có thể hiểu rằng đó là một nguồn tin cực kỳ đúng sự thực”.
Trước đó, hôm 4-8, Moscow từng phủ nhận kế hoạch gửi binh sĩ tới Syria. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự tham gia của quân đội Nga trong cuộc xung đột tại Syria “không phải là chương trình nghị sự”.
Tuy nhiên, chính phủ Nga khẳng định họ ủng hộ mạnh mẽ việc hình thành một liên minh chống IS, gồm có Syria và các lực lượng khu vực Trung Đông cũng như quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của một mặt trận như vậy trong cuộc họp tại thủ đô Moscow vào ngày 26-8.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gần đây đã gặp nhà lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria (SNC - thuộc phe đối lập) Khaled Khoja tại Moscow. Hai bên thảo luận về giải pháp chính trị tiềm năng dành cho Damascus và hình thành một liên minh rộng rãi để chống lại IS. Liên minh này bao gồm quân đội Syria, Iraq, người Kurd và lực lượng đối lập đại diện cho người dân Syria.
Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành các cuộc không kích vào một số mục tiêu của IS ở Syria nhưng không dập tắt được nhóm này. Washington cũng vừa khởi động chiến dịch máy bay không người lái (UAV) săn tìm các thủ lĩnh hàng đầu của IS ở Syria. Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt (JSOC) cũng tham gia chiến dịch lần này.
Với sự xuất hiện của CIA, chính sách chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama đang bị làm phức tạp thêm. Cơ quan này đang “lấn sân” sang việc cung cấp hoạt động tình báo cho các lực lượng bán quân sự. Hồi năm ngoái, ông Obama muốn CIA tập trung vào dịch vụ tình báo, nhường các hoạt động về UAV cho Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, trong một bức thư mật mà báo The Washington Post có được, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Tình báo Thượng viện không đồng tình bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm bớt vai trò của CIA trong việc theo dõi những kẻ khủng bố. Thay vào đó, CIA vẫn phối hợp với JSOC nhưng để phần “kết thúc” (tức các cuộc không kích) cho quân đội mà không can thiệp, ít nhất là ở Syria.
Bình luận (0)