Những đối tượng này được cho là có nguy cơ trở thành mối đe dọa lớn nếu họ trở về quê hương.
Công cụ khủng bố
Ông Patrushev lo ngại những người này sẽ bị các thủ lĩnh IS sử dụng như một công cụ tấn công khủng bố vì họ đều núp dưới vỏ bọc công dân tuân thủ pháp luật, không bị chính quyền để ý.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant, vị giám đốc RSC tiết lộ IS tích cực tuyển dụng chiến binh tại Nga và các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt tập trung vào lớp thanh thiếu niên và cộng đồng dân tộc thiểu số.
Gần đây, một nữ sinh 19 tuổi đến từ Đại học Quốc gia Moscow bị bắt tại một thị trấn biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Cô gái và 12 người Nga khác được cho là đang trên đường tới Syria để gia nhập IS.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ quan điểm rằng dù đang rạn nứt với phương Tây về vấn đề Ukraine nhưng Nga thấy cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại IS, tổ chức thánh chiến mà ông mô tả là “ác quỷ”.
Sau 2 cuộc chiến tranh ly khai ở Chechnya, Moscow vẫn đang đối mặt với một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo tại một số tỉnh vùng Bắc Caucasus. Hôm 22-6, đại diện quân nổi dậy Caucasus tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong đoạn video đăng tải trên kênh YouTube.
IS đào hầm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
Cũng trong ngày 22-6, lực lượng bán quân sự người Kurd vừa phát hiện 400 m đường hầm do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đào gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) phát hiện đoạn đường hầm kể trên sau khi họ chiếm được thị trấn Tal Abyad hồi tuần trước. Đoạn đường hầm này đã hoàn thành được một nửa. Phát ngôn viên YPG Redur Khalil không nói rõ nó chọc thẳng vào Thổ Nhĩ Kỳ hay phân chia làm 2 nhánh khác nhau.
Lực lượng bán quân sự người Kurd kiểm soát Tal Abyad đồng nghĩa với việc con đường tiếp tế của IS tới TP Raqqa – Syria tạm thời bị gián đoạn. Họ cũng tiến sâu vào thị trấn Ain Issa, cách TP Raqqa 50 km về phía Bắc và đẩy lui lực lượng IS đóng tại đây. Không quân Mỹ và phiến quân ôn hòa Syria yểm trợ chiến dịch. Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdulrahman nhận định IS đang sụp đổ ngay bên trong các thành trì của mình.
Ngoài xung đột bùng lên xung quanh TP Raqqa – thành trì quan trọng của IS ở Syria, tình hình căng thẳng còn được ghi nhận tại TP Qamishli ở phía Đông Bắc, nơi lực lượng người Kurd và chính quyền Damascus chia nhau cai quản. Giới chức Syria nghi ngờ một bộ phận người Kurd có ý định ly khai, đồng thời khẳng định dù Syira làm bạn với người Kurd nhưng không thể hòa hợp dưới một mái nhà chung.
Hôm 22-6, sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cửa biên giới, khoảng 500 người Kurd đã quay trở lại Syria sau nhiều tháng chạy trốn cuộc xung đột, hãng tin DHA cho biết.
Bình luận (0)