Theo thống kê trên, doanh số bán lẻ của Nga giảm 10%, vốn đầu tư giảm 8,4% trong bối cảnh hoạt động kinh tế ảm đạm nhất từ năm 2009 trở lại đây. Ngược lại, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 0,6% trong năm 2014.
Tác động mạnh nhất đến nền kinh tế Nga là giá dầu thế giới với mức giảm 70% trong 15 tháng qua. Ngoài việc phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt, Nga còn bị phương Tây trừng phạt sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp quân sự vào Đông Ukraine, gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đầu tháng 1, Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo Nga có thể phải xem lại ngân sách 2016 do kinh tế ảm đạm. Trước đó, tháng 12-2015, Tổng thống Vladimir Putin dự báo ngân sách 2016 được tính toán dựa trên giá dầu lúc 50 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu hiện rớt xuống còn hơn 30 USD/thùng.
Các phương tiện truyền thông thân Điện Kremlin cũng thừa nhận Nga đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, một phần bởi chính phủ ít nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Chính phủ Nga dự kiến sẽ công bố một loạt các biện pháp chống khủng hoảng trong tuần này.
Một nửa doanh thu của Nga đến từ tiền thuế dầu mỏ và khí đốt. Chuyên gia kinh tế William Jackson của Công ty Phân tích thị trường Capital Economics nhận xét Nga có khả năng trải qua năm suy thoái kinh tế thứ 2 liên tiếp nếu giá dầu không chuyển biến mạnh.
Sau khi giá dầu giảm khoảng 3% vào ngày 25-1, tỉ giá tham chiếu đồng rúp so với đồng USD giảm hơn 1%, xuống còn 78,87 rúp/USD.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Nga vẫn ở mức 5,8% tháng 12-2015, nghĩa là 4,4 triệu người không có việc làm trong khi tiền lương thực tế đã giảm 10% cho đến hiện tại.
Biện pháp trừng phạt của phương Tây và đồng rúp suy yếu buộc các công ty Mỹ thay đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các nhà cung cấp địa phương và bán sản phẩm với giá phải chăng. Giám đốc điều hành McDonald's tại Nga Khamzat Khasbulatov thông báo tập đoàn này sắp mở thêm 60 chi nhánh tại đây trong năm 2016 để tận dụng nguồn cung dồi dào.
Bình luận (0)