Dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đều tuyên bố không thể xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp song dư luận vẫn đang tốn nhiều công sức bàn về tương quan lực lượng giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và Ankara.
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đáng gờm
Nhiều người Nga tin chắc rằng TNK là một nước yếu ớt với nguồn sống chủ yếu từ du lịch. Trong khi đó, TNK lại tự xem mình là một siêu cường trong khu vực và đang tích cực xây dựng các lực lượng vũ trang hiện đại, hùng mạnh. Trang web Sputnik & Pogrom đã so sánh về năng lực của các lực lượng vũ trang Nga và TNK trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp.
Thực tế, Nga và TNK không có biên giới trên bộ. Do đó, để tiếp cận nhau, 2 bên phải vượt qua biển cả. Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga hiện triển khai tàu khu trục “Moskva” ở bờ biển Syria. Dù không còn mới (đóng vào những năm 1980), tàu chiến này vẫn đầy sức mạnh với kho vũ khí đối hạm hùng hậu: 8 ụ tên lửa “Vulkan”. Với khả năng hoạt động tầm xa 1.000 km, “Moskva” có thể bắn đến bất cứ mục tiêu nào trên bờ biển TNK mà không cần phải rời khỏi hải cảng.
Thêm vào đó, ít nhất 2 hạm đội Baltic và Phương Bắc cùng với đội tàu Biển Caspi có thể tham gia trận chiến hỗ trợ hạm đội Biển Đen trong trường hợp cần thiết. Đội tàu Biển Caspi từng được biết đến khi tham gia chiến dịch quân sự ở Syria. 10 tàu khu trục và tàu hộ tống cỡ nhỏ thuộc đội tàu này được trang bị tên lửa nổi tiếng Kalibr - có khả năng hoàn toàn phủ kín TNK và trong trường hợp cần thiết có thể nhấn chìm hầu như bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước này.
TNK không có nhiều hệ thống vũ khí, cũng không có những tàu chiến lớn như “Moskva” của Nga nhưng hiện nay, hải quân nước này là một thế lực quân sự cân bằng và khá hiện đại. TNK có một hạm đội tàu ngầm đầy ấn tượng, gồm 14 chiếc diesel điện tử mua từ Đức. Trong đó, 4 chiếc thuộc lớp Gur được đóng vào những năm 2000. Ngoài ngư lôi, tàu ngầm TNK còn có thể được trang bị các tên lửa đối hạm.
Ngoài ra, tất cả tàu ngầm TNK đều nổi bật bởi mức độ gây ồn thấp và kích thước nhỏ, khiến đối phương sẽ gặp khó khăn và nguy hiểm khi giao chiến. Nói chung, hạm đội TNK có thể là đối thủ rất nguy hiểm với người Nga do số lượng đông đảo. Trên thực tế, hải quân TNK là mối đe dọa cảm nhận được đối với hạm đội Biển Đen, chủ yếu do có nhiều tàu ngầm và tàu khu trục. Tuy nhiên, TNK hoàn toàn thiếu tàu chiến cỡ lớn cũng như lực lượng bổ sung nào đó đến từ vùng biển khác để giành ưu thế trên biển trước Nga.
Không lực Nga nổi trội
Không lực Nga hiện là một trong những lực lượng đông đảo nhất thế giới. Những năm gần đây, Nga đã tăng cường đội ngũ máy bay và lúc này đứng thứ hai thế giới về sức mạnh không quân.
Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, máy bay tầm xa đều là át chủ bài của Nga. Lực lượng ném bom hiệu quả nhất là 16 chiếc máy bay chiến lược Tu-160. Đây là một trong những loại máy bay hùng mạnh nhất thế giới, mang theo 45 tấn bom và hoạt động trên độ cao 22 km. Đối với tên lửa phòng không của TNK, Tu-160 được đánh giá là bất khả xâm phạm. Tu-160 tạo ra ưu thế vượt trội khi có thể ném bom bất cứ nơi nào mà không lo bị bắn rơi.
Ngoài ra, không quân Nga còn có gần 1.400 chiến đấu cơ, đa phần là các máy bay hiện đại, nhiều chiếc mới được hiện đại hóa. Riêng trong năm 2015 vừa qua, quân đội Nga đã nhận thêm 120 máy bay. Nhìn chung, không quân Nga đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ.
Không quân TNK cũng khá gây ấn tượng với lực lượng nòng cốt là gần 250 chiến đấu cơ F-16. Hơn nữa, dàn máy bay F-16 này được trang bị những tên lửa không đối không AIM-120 nguy hiểm của Mỹ. Thêm vào đó, phi công TNK được huấn luyện rất tốt - nếu không hơn phi công Nga thì cũng không hề kém. Thế nhưng, ưu thế của không quân TNK chỉ có bấy nhiêu khi ngoài ra chỉ sở hữu loại máy bay chiến đấu Fantom - được đánh giá là những cỗ máy già nua vô vọng trong thế kỷ XXI này.
Hệ thống phòng không rất yếu ớt chính là gót chân Achilles của TNK. Ngoài tổ hợp tên lửa Patriot mới được Mỹ trang bị vào mùa thu vừa qua, hiện TNK chỉ có những tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn cũ kỹ. Nước này có đến hơn 200 tổ hợp Nike Hercules và Rapier nhưng những tên lửa phòng không từ những năm 1960 này lại bất lực trước loại máy bay hiện đại.
Trong khi đó, hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới chính là mặt mạnh của Nga. Đơn cử, hệ thống S-400 - mới được triển khai tại căn cứ Hmeimim ở Syria - có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu với tốc độ đến 4.800 km/giờ trên độ cao 27 km và ở tầm xa 250 km. Như thế, chỉ một tổ hợp S-400 đã có khả năng tạo ra và duy trì vùng cấm bay trên một khoảng không gian rộng lớn, đồng thời có thể làm quang bầu trời ngay cả khi bị một trung đoàn không quân tấn công cùng lúc.
Những con số ấn tượng
Những năm qua, Nga gia tăng mạnh chi phí quân sự. Năm 2014, chi phí quân sự của Nga lên đến 84,5 tỉ USD trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.565 tỉ USD. Với dân số 146 triệu người, Nga có 771.000 binh sĩ và sĩ quan chuyên nghiệp (năm 2015) cùng 2 triệu quân dự bị; mức chi cho 1 quân nhân là gần 110.000 USD/năm. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, năm 2015, Nga có 276.000 lính nghĩa vụ.
Trong khi đó, GDP của TNK là 1.508 tỉ USD và ngân sách quốc phòng chiếm 22,4 tỉ USD. Quân đội nước này bao gồm 510.000 quân nhân và 378.000 quân dự bị trong khi dân số 80,7 triệu người. Ankara chi cho mỗi quân nhân gần 44.000 USD/năm.
Kỳ tới: Những vũ khí đáng sợ
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-1
Bình luận (0)